Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

1-Đại ý đoạn thơ Kiều bị rơi vào bẫy của Tú Bà và Sở Khanh

Kiều một mình ở trong lầu Ngưng Bích lòng buồn rã rượi bèn ngâm một vài câu thơ. Vén màn cửa sổ nàng bỗng nhìn xuống đường thì thấy có chàng trai khôi ngô tuấn tú trông lên phòng mình. Sau hỏi ra nàng biết người đó tên Sở Khanh. Thấy nàng đẹp như Hằng Nga, hắn làm ra vẻ si tình và trách móc trời đất sao nỡ để người đẹp phải gian truân thế này. Đối với Kiều thì hành vi cử chỉ của anh này như có vẻ hứa hẹn và nếu có cơ hội anh ta sẽ giải thoát mình. Làm như hiểu được tâm sự của hắn, Kiều bèn lấy giấy viết thư, kể lể về hoàn cảnh và mong được giải thoát. Sáng ngày hôm sau Kiều nhờ người chuyển thư cho người thanh niên xa lạ. Ngay chiều hôm đó nàng nhận được thư trả lời. Hắn hẹn vào ngày hai mươi mốt, giờ Tuất (19giờ tới 21 giờ) sẽ đến đón nàng trốn đi.

 

Chiều hôm hẹn ước nàng chờ mãi tới lúc trăng mọc mới thấy cành lá hướng Đông lay động và người thanh niên rón rén bước vào trong lầu Ngưng Bích. Vừa gặp anh ta, Kiều liền quì sụp xuống đất van xin người ân nhân hãy cứu mình ra khỏi chốn bợn nhơ này. Sở Khanh làm ra vẻ là người nghĩa khí sẵn sàng cứu giúp nàng bằng bất cứ giá nào qua câu: "Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi!". Khi Kiều hỏi anh ta cứu nàng bằng cách nào thì Sở Khanh nói rằng hắn có ngựa truy phong và tên vệ sĩ sẽ giúp nàng trốn đi. Hắn còn làm ra vẻ hiểu biết "Tam thập lục kế" (36 kế) trong binh pháp Tổn Tử mà "Tẩu" (chạy trốn) là kế hay nhất. Hắn cũng hứa nếu có vấn đề gì xẩy ra, hắn sẽ ra tay giải quyết. Tuy nghe Sở Khanh nói có vẻ huênh hoang, nhưng không còn đường nào thoát thân khỏi chốn ăn chơi truỵ lạc bằng cách bỏ trốn, Kiều đành "Cũng liều nhắm mắt đưa chân, Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu!

 

Trời về khuya, tiếng gà gáy trong đêm làm cho Kiều bồi hồi sợ hãi. Sở Khanh và Kiều mỗi người một ngựa trốn khỏi lầu Ngưng Bích, phía sau có cận vệ đi theo. Khi hai người cưỡi ngựa được một quãng thì Sở Khanh bỗng quất ngựa chạy biến mất. Trong lúc Kiều còn đang phân vân không biết đi về hướng nào thì bọn tay sai của Tú Bà ào tới bắt nàng. Kiều bị dẫn về. Tú Bà nổi nóng, không chỉ chửi mắng thậm tệ mà còn đánh đập Thuý Kiều rất dã man: ”Thịt da ai cũng là người, uốn lưng thịt đổ cất đầu máu sa”. Biết mình có lỗi, Kiều phân bua với Tú Bà: "Bây giờ sống chết ở tay, Thân này đã đến thế này thì thôi!" Để chắc ăn, Tú Bà bắt Mã-Kiều phải làm bản bảo đảm không trốn khỏi lầu xanh mới được tha. Cuối cùng nàng đành đau đớn chấp nhận bán cái trinh tiết của mình cho khách làng chơi: "Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa!" (*) Kế tiếp là đoạn thơ Tú Bà dậy nghề hành lạc cho Thuý Kiều.

 

Chúng tôi mạn phép không đăng đoạn thơ Tú Bà dậy Kiều hành nghề mãi dâm, mà các đấng nam nhi khoái bàn khi uống rượu ngâm thơ, cấm đàn bà con nít tới gần. Đoạn thơ dâm tục này cũng là lý do tại sao các cụ nhà ta ngày xưa ngăn cấm "Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều!" Đối với thời nay, nghệ thuật yêu đương không còn là chuyện cấm kỵ mà là phương pháp cần thiết cho nam nữ, không chi để gia tăng tình yêu, mà còn bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Thi hào Nguyễn Du chỉ tả cảnh Tú Bà tra tấn Kiều tóm tắt qua hai câu thơ ”Thịt da ai cũng là người, uốn lưng thịt đổ cất đầu máu sa” nên có thể chúng ta chưa hình dung được trận đòn ác nghiệt này. Để quí độc giả thấy rõ cái cực hình mà Tú Bà đã dành cho nàng, chúng tôi ghi lại nội dung đoạn thơ này trong nguyên tác Hán văn ”Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Tử (Nhân) được Tô Nam Nguyễn đình Diệm dịch ra Việt Ngữ (Văn Hóa tùng thư - Nha Văn Hóa, Phủ Quốc-Vụ-Khanh Đặc trách Văn-Hóa xuất bản 1971) như sau:

 

"Khi về đến nhà, mụ Tú sai lôi nàng vào trong xó, lột hết áo quần, cả đến mảnh vải quấn chân cũng tháo trơn trọi, rồi dùng dây thừng quàng vào trước ngực, ruồn sang qua nách, bắt tréo về sau lưng, rồi buộc chặt hai đầu ngón tay cái treo lên xà nhà, để cách mặt đất ba tấc, chỉ đủ cho đầu ngón chân chấm tới mặt đất. Còn mình mảy thì để lõa lồ chỉ còn sót lại có một cái khố, khiến nàng hổ thẹn muốn chết. Nhưng tính mệnh lúc ấy ở trong tay người thì còn biết làm thế nào? Nên đành nhắm nghiền hai mắt để mặc chúng hành hạ mà thôi. Tú bà đánh Kiều cả thẩy ba lần, mỗi lần hai ba chục roi da... mà ”mỗi một roi vút, tức thì một lần tấm thân bị quay, luôn luôn quay tít chẳng dừng” Nói theo tiếng lóng hiện đại, Tú bà bắt Thúy Kiều đi ”máy bay”. Lần cuối, Tú bà toan đánh thêm 100 roi nữa nhưng mụ vừa đánh được 2. 3 roi thì thân thể nàng quay tít như cái chong chóng, 10 đầu ngón tay, máu chẩy ròng ròng, đầu tóc xõa xuống rũ rượi, nước bọt trong miệng trào ra, máu cũng theo giọt nước mắt chảy xuống. Chị em đồng nghiệp trông thấy quang cảnh như vậy, nhất tề quỳ xuống xin tha cho nàng!”

 

Kiều Mắc Lận Sở Khanh

 

1055. Chung quanh những nước non người,
Đau lòng lưu lạc, nên vài bốn câu.

Ngậm ngùi rủ bước rèm châu,
Cách tường, nghe có tiếng đâu họa vần.
Một chàng vừa trạc thanh xuân,
1060. Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng.
Nghĩ rằng cũng mạch thư hương,
Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh.
Bóng Nga thấp thoáng dưới mành,
Trông nàng, chàng cũng ra tình đeo đai.
1065. Than ôi! Sắc nước hương trời,
Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?
Giá đành trong nguyệt trên mây,
Hoa sao, hoa khéo đọa đày bấy hoa?
Tức gan riêng giận trời già,
1070. Lòng này ai tỏ cho ta, hỡi lòng?
Thuyền quyên ví biết anh hùng,
Ra tay tháo cũi, sổ lồng như chơi!
Song thu đã khép cánh ngoài,
Tai còn đồng vọng mấy lời sắt đanh.
1075. Nghĩ người thôi lại nghĩ mình,
Cám lòng chua xót, nhạt tình chơ vơ.
Những là lần lữa nắng mưa,
Kiếp phong trần biết bao giờ mới thôi?
Đánh liều nhắn một hai lời,
1080. Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân.
Mảnh tiên kể hết xa gần,
Nỗi nhà báo đáp, nỗi thân lạc loài.
Tan sương vừa rạng ngày mai,
Tiện hồng nàng mới nhắn lời gửi sang.
1085. Trời tây lãng đãng bóng vàng,
Phúc thư đã thấy tin chàng đến nơi.
Mở xem một bức tiên mai,
Rành rành tích việt có hai chữ đề.
Lấy trong ý tứ mà suy:
1090. Ngày hai mươi mốt, tuất thì phải chăng?
Chim hôm thoi thót về rừng,
Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành.
Tường đông lay động bóng cành,
Rẽ song, đã thấy Sở Khanh lẻn vào.
1095. Sượng sùng đánh dạn ra chào,
Lạy thôi, nàng mới rỉ tai ân cần.
Rằng: Tôi bèo bọt chút thân,
Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh.
Dám nhờ cốt nhục tử sinh,
1100. Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau!
Lặng nghe, lẩm nhẩm gật đầu:
Ta đây phải mượn ai đâu mà rằng!
Nàng đà biết đến ta chăng,
Bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi!
1105. Nàng rằng: Muôn sự ơn người,
Thế nào xin quyết một bài cho xong.
Rằng: Ta có ngựa truy phong,
Có tên dưới trướng, vốn dòng kiện nhi.
Thừa cơ lẻn bước ra đi,
1110. Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn.
Dù khi gió kép, mưa đơn,
Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì!
Nghe lời nàng đã sinh nghi,
Song đà quá đỗi, quản gì được thân.
1115. Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu!
Cùng nhau lẻn bước xuống lầu,
Song song ngựa trước, ngựa sau một đoàn.
Đêm thâu khắc lậu canh tàn,
1120. Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương.
Lối mòn cỏ nhợt mù sương,
Lòng quê đi một bước đường, một đau.
Tiếng gà xao xác gáy mau,
Tiếng người đâu đã mái sau dậy dàng.
Nàng càng thổn thức gan vàng,

 

Thúy Kiều Chịu Tiếp Khách

 

Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào!
Một mình khôn biết làm sao,
Dặm rừng bước thấp, bước cao hãi hùng.
Hóa nhi thật có nỡ lòng,
1130. Làm chi dày tía, vò hồng, lắm nau!
Một đoàn đổ đến trước sau,
Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời.
Tú bà tốc thẳng đến nơi,
Hầm hầm áp điệu một hơi lại nhà.
1135. Hung hăng chẳng nói chẳng tra,
Đang tay vùi liễu, giập hoa tơi bời.
Thịt da ai cũng là người,
Lòng nào hồng rụng, thắm rời chẳng đau.
Hết lời thú phục, khẩn cầu,
1140. Uốn lưng thịt đổ (1), cất đầu máu sa.
Rằng: Tôi chút phận đàn bà,
Nước non lìa cửa, lìa nhà, đến đây.
Bây giờ sống chết ở tay,
Thân này đã đến thế này thì thôi!
1145. Nhưng tôi có sá chi tôi,
Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu?
Thân lươn bao quản lấm đầu,
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa! (2)
Được lời mụ mới tùy cơ,
1150. Bắt người bảo lĩnh làm tờ cung chiêu.
Bày vai có ả Mã Kiều,
Xót nàng, ra mới đánh liều chịu đoan.
Mụ càng kể nhặt, kể khoan,
Gạn gùng đến mực, nồng nàn mới tha.
1155. Vực nàng vào nghỉ trong nhà,
Mã Kiều lại ngỏ ý ra dặn lời:
Thôi đà mắc lận thì thôi!
Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh?
Bạc tình, nổi tiếng lầu xanh,
1160. Một tay chôn biết mấy cành phù dung!
Đà đào lập sẵn chước dùng,
Lạ gì một cốt một đồng xưa nay!
Có ba mươi lạng trao tay,
Không dưng chi có chuyện này, trò kia!
1165. Rồi ra trở mặt tức thì,
Bớt lời, liệu chớ sân si, thiệt đời!
Nàng rằng: Thề thốt nặng lời,
Có đâu mà lại ra người hiểm sâu!
Còn đương suy trước, nghĩ sau,
1170. Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào.
Sở Khanh lên tiếng rêu rao:
Rằng nghe mới có con nào ở đây.
Phao cho quyến gió rủ mây,
Hãy xem có biết mặt này là aỉ
1175. Nàng rằng: Thôi thế thì thôi!
Rằng không, thì cũng vâng lời là không!
Sở Khanh quắt mắng đùng đùng,
Sấn vào, vừa rắp thị hùng ra tay,
Nàng rằng: Trời nhé có hay!
1180. Quyến anh, rủ yến, sự này tại ai?
Đem người giẩy xuống giếng khơi,
Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay!
Còn tiên tích việt ở tay,
Rõ ràng mặt ấy, mặt này chứ ai?
1185. Lời ngay, đông mặt trong ngoài,
Kẻ chê bất nghĩa, người cười vô lương!
Phụ tình án đã rõ ràng,
Dơ tuồng, nghỉ mới kiếm đường tháo lui.
Buồng riêng, riêng những sụt sùi:
1190. Nghĩ thân, mà lại ngậm ngùi cho thân.
Tiếc thay trong giá trắng ngần,
Đến phong trần, cũng phong trần như ai!
Tẻ vui cũng một kiếp người,
Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru!
1195. Kiếp xưa đã vụng đường tu,
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi!
Dù sao bình đã vỡ rồi,
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong!

 

<h3 style="MARGIN: 12pt 0cm 3pt">2-Chú giải </h3>

-Vì giới hạn số trang của báo, chúng tôi giảm bớt một số câu thơ và không chú giải từ ngữ.

(1): có nơi ghi "xương nổ" có nghĩa khi Kiều cong lưng đập đầu xuống đất rồi ngẩng đầu lên liên tiếp (theo kiểu đập đầu van xin tha tội) thì các khớp xương lưng nghe răng rắc, như khi người ta bẻ các đốt ngón tay. Vì đập đầu xuống đất (sàn) nhiều lần, nên khi nàng ngẩng đầu lên thì máu mũi chảy ra!

(2): có nơi ghi: "đến giờ"

(*) -Câu thơ 1148:

Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa!

Được lời mụ mới tùy ,

Câu thơ Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa! là của cụ Trương Vĩnh Ký và Kiều Oánh Mậu biên khảo, chứ chưa hẳn của thi hào Nguyễn Du. Theo các bản Kim Vân Kiều tân truyện do nhà Liễu Văn Đường khắc in chữ Nôm năm 1871 và nhà Quan Văn Đường khắc in năm 1879 thì câu thơ trên được chép là: “Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ”.

Theo thiển ý của chúng tôi thì câu " Xót lòng trinh bạchtừ lâu đến giờ" có lẽ thích hợp hơn, vì nó hợp vận một cách chặt chẽ với chữ "" trong câu 6 chữ tiếp theo: "Được lời mụ mới tùy ".

<h3 style="MARGIN: 12pt 0cm 3pt">3- Điển tích</h3>

 

a)-Tháo cũi sổ lồng (câu 1071, 1072. Sở Khanh đánh tiếng với Kiều)

Tháo cũi sổ lồng là giải thoát cho người bị giam cầm hay bị ràng buộc, gò bó.

Sách Tình Sử chép chuyện “Tháo cũi, sổ lồng” như sau:

Thôi Sinh là một võ quan trong đội cấm vệ quân của vua Đường Đại Tông. Cha chàng cũng là một vị quan có tiếng trong triều và kết thân với một vị nhất phẩm nhân thần. Một ngày nọ, cha Thôi Sinh sai chàng đến thăm vị nhất phẩm nhân thần kia đang bị ốm. Thôi Sinh là một chàng trai mặt đẹp không kém Phan An và Tống Ngọc, nên vị quan nhất phẩm kia tỏ ra yêu mến chàng. Lúc Thôi Sinh vào, chàng trông thấy trước giường người bệnh có ba cô gái tuyệt sắc, mà chàng biết là người hầu quan lớn, đang dầm trái đào trong âu vàng lấy nước cho người bệnh uống.

Quan lớn sai cô mặc áo hồng bưng một âu đào đến mời Thôi. Thôi thẹn đỏ mặt, không nhận. Thấy Thôi không dám nhận, quan lớn bảo cô áo hồng lấy muỗng múc đào đưa lên tận miệng Thôi. Chàng đành phải ăn. Cô gái nhìn chàng mỉm cười. Khi Thôi từ giã người bệnh ra về, cô gái áo hồng đưa chàng ra tận cổng. Nàng đưa ba ngón tay lên, lật bàn tay ba lượt rồi chỉ vào tấm gương tròn đang đeo trên ngực, nói với Thôi Sinh:

- Chàng nhớ nhé.

 

Thôi Sinh về nhà, lòng cứ nghĩ đến cô gái áo hồng luôn. Suốt ngày ngơ ngơ ngẩn ngẩn như kẻ thần hồn nát thần tính, không thiết gì đến ăn uống. Rồi chàng làm một bài thơ tứ tuyệt để trút tâm sự:

 

Trót lạc Bồng lai một buổi nào

Vòng châu tiên nữ ánh rung sao

Cánh song đã khép sâu cung quế

Nỡ để lòng ai nặng mối sầu.

 

Người trong nhà thấy Thôi Sinh như thế, không hiểu ra làm sao cả. Nhưng hỏi, chàng lại không nói. Riêng lão nô bộc thân tính của chàng tên Ma Lặc thì được chàng thố lộ tâm sự. Ma Lặc nghe xong, cười nói:

- Chuyện nhỏ như thế có đáng gì mà cậu phải khổ tâm. Đây này, cô ta ra hiệu như thế có nghĩ là: cô ta ở nhà thứ ba trong số mười nhà của các nàng hầu quan lớn. Còn lật bàn tay ba lượt có nghĩa là mười lăm, vì mỗi bàn tay có năm ngón; và cái gương tròn trước ngực tượng trưng cho mặt trăng. Tóm lại, cô ta hẹn với cậu vào đêm rằm ấy.

Thôi Sinh mừng rỡ hỏi:

- Vậy lão có cách nào đưa ta đến đó không?

Ma Lặc nói:

- Đêm mai là rằm rồi. Cậu hãy cho may ngay hai cái áo chẽn màu xanh thẳm cho cậu và tôi. Đêm mai tôi đưa cậu đi.

Đêm sau, Ma Lặc nói với Thôi Sinh:

- Khu nhà của các hầu thiếp quan lớn nhất phẩm được canh gác nghiêm ngặt lắm, lại có một con chó giống Tao Châu khoẻ và dữ như hổ. Người lạ ló mặt vào là nó cắn chết ngay. Ngoài tôi ra, chẳng còn ai trị được nó đấy. Bây giờ tôi phải đi thanh toán nó trước đã.

Nói xong, Ma Lặc xách quả chuỳ ra đi liền. Một lát sau ông ta trở về bảo với Thôi Sinh.

- Lão đã đập chết con chó rồi.

Đến canh ba, lão Ma Lặc cùng Thôi Sinh thay áo chẽn màu xanh rồi đi đến dinh quan nhất phẩm. Đến nơi, Ma Lặc cặp Thôi Sinh nhảy qua mười vòng tường, đột nhập vào khu nhà các hầu thiếp của quan lớn. Lúc bấy giờ lính tráng canh gác đều ngủ cả. Bốn bề im vắng bẳn bặt. Hai người đến căn nhà thứ ba, Thôi Sinh thấy cửa còn hé mở nên đẩy nhẹ bước vào. Cô gái áo hồng đang ngồi trên giường, nhận ra Thôi sinh bèn bước xuống cầm tay chàng nói:

- Hôm trước, nhìn vẻ mặt khôi ngô tuấn tú của chàng, em biết chắc thế nào chàng cũng đoán ra nên mới làm hiệu. Chàng có tài xuất quỷ nhập thần gì mà vào được đến đây vậy?

 

Thôi Sinh cứ tình thực nói là mình nhờ người lão bộc trung thành giúp sức. Và ông ta hiện đang đứng ở ngoài. Cô gái áo hồng bảo Thôi mời Ma Lặc vào rồi lấy rượu khoản đãi ông ta. Đoạn nàng nói với Thôi:

- Gia đình em ở tận trên miền Bắc. Quan lớn nhất phẩm đây cậy thế bắt em về làm hầu thiếp. Chàng có người thân tín tài ba như lão trượng đây, xin ra tay tháo cũi sổ lồng giúp em. Ước nguyện được thành, em dù chết cũng không hối hận.

Thôi Sinh còn đang phân vân thì Ma Lặc đã lên tiếng:

 

- Nếu chi cô đã quyết thế thì có khó gì.

Cô gái áo hồng tỏ ý mừng. Ma Lặc giục cô ta thu xếp quần áo, của cải vào hòm rương. Ma Lặc vác liền một lúc ba cái rương đưa ra ngoài. Rồi ông ta trở vào cặp cả Thôi Sinh và cô gái áo hồng vượt ra khỏi mười vòng tường chẳng hề gây nên một tiếng động.

Về nhà, Thôi Sinh giấu cô gái áo hồng trong phòng học của mình. Đến sáng hôm sau thì ở dinh quan lớn nhất phẩm mới hay cô gái áo hồng đã bị mất tích trong đêm. Quan lớn nhất phẩm cả kinh, cứ nghĩ rằng việc ấy phải do một tay võ nghệ siêu quần bạt chúng mới thực hiện được.

Cô gái áo hồng ở trong nhà Thôi Sinh suốt hai năm. Một sáng mùa xuân nhân mùa hoa nở rộ khắp nơi, nàng ngồi xe ra chơi đất Khúc Giang để thưởng hoa, bị người nhà quan lớn nhất phảm trông thấy. Quan lớn, nhất phẩm được báo tin, liền cho mời Thôi Sinh đến cật vấn. Thôi sợ, khai tất cả. Quan lớn vốn đã yêu mến Thôi Sinh từ lâu nên nói:

 

- Thôi được, mọi chuyện ta đều cho qua hết, kể cả con bé áo hồng ấy ta cũng tặng cho công tử. Nhưng ta phải vì sự an nguy của thiên hạ mà ra tay trừng trị tên Ma Lặc ấy mới được.

Liền sau đó, quan lớn nhất phẩm sai năm mươi giáp sĩ mang gươm giáo đến vây nhà Thôi Sinh để bắt Ma Lặc. Ma Lặc tay cầm đoản kiếm, phi thân qua tường cao thoát thân. Bọn giáp sĩ bắn tên theo như mưa vẫn không trúng. Chỉ trong khoảnh khắc, bóng dáng Ma Lặc đã mất hút.

Hơn mười năm sau, người nhà Thôi Sinh còn trông thấy Ma Lặc bán thuốc cao đơn hoàn tán ở chợ Lạc Dương, hình dong vẫn không thay đổi chút nào.

 

b)-Tường Đông lay động bóng cành

 

(Câu 1093, 1094. Sở Khanh đến với Kiều)

Nguyễn Du dịch câu ”Cách tường hoa ảnh động” (Cách tường bên kia có bóng hoa lung lay) trong vở tuồng ”Tây Sương Ký”. Đoạn này mô tả cảnh Trương Quân Thụy nhận được thơ của Thôi Oanh Oanh và đêm tối chàng lần sang phòng nàng.

Nội dung đoạn ấy có thể tóm tắt như sau:

 

- Chiều hôm ấy, Hồng nương lại đến, cầm tờ hoa tiên đưa cho chàng mà rằng: ”Của cô Thôi sai đưa sang đây”. Đầu đề là: Trăng sáng đêm rằm

Thơ rằng:

”Cửa hé theo luồng gió

Trăng chờ người Mái Tây

Chạm tường, hoa động bóng

Người ngọc đến đâu đâỵ”

Trương hơi hiểu ý thơ. Đêm ấy là đêm mười bốn tháng hai. Tường phía Đông nhà họ Thôi có một gốc hoa hạnh có thể vịn để trèo sang được.

Sang đêm rằm, Trương Quân Thụy trèo cây ấy qua tường, lần đến Mái Tây, thấy cửa đã hé mở và Hồng nương đang nằm ở giường. Chàng liền đánh thức Hồng nương dậy. Hồng nương giật mình nói:

- Sao cậu lại đến đây?

Trương nói dối Hồng nương:

- Cô Thôi viết giấy mời tôi đấy. Chị vào nói với cô giúp.

Hồng nương quay vào, một lát quay ra và nói:

- Ra đây rồi. Ra đây rồi.

Trương vừa mừng vừa sợ, nhưng nghiệm rằng việc tất xong.

Thôi Oanh Oanh xuất hiện, ăn mặc chỉnh tề, lớn tiếng mắng Trương rằng:

 

- Anh cứu sống nhà tôi, ơn ấy to lắm; cho nên mẹ tôi mới đem trai thơ gái dại mà ủy thác cho anh. Cớ sao anh lại nhờ đứa con hầu không ra gì đưa thơ nhảm nhí. Ban đầu thì lấy việc cứu người khỏi nạn làm tốt, rốt lại nhân việc người ta khỏi nạn mà đòi sự nọ sự kia. Lấy loạn thay loạn thì anh có hơn bọn giặc là mấy. Đã toan dập những thơ từ ấy đi, là dung túng mưu gian, không phải nghĩa. Thưa thực với mẹ, phụ bạc ơn trước, trời nào chứng cho. Gởi lời nhờ con hầu nói hộ, lại sợ không hết được chân thành; cho nên phải mượn mảnh tờ tìm đường bày tỏ. Nhưng còn lo anh sinh lòng khó dễ, cho nên dùng lời lẳng lơ để mong anh thế nào cũng sang. Việc làm trái lẽ, sao khỏi thẹn lòng. Chỉ xin anh lấy lễ giữ mình, chớ dùng mình vào chuyện bậỵ

Nói xong, Thôi Oanh Oanh nguây nguẩy đi vào. Trương ngẩn người một lúc rồi vượt tường trở về. Từ đó tuyệt vọng...

-----------------------

Tài liệu tham khảo:

- Các tài liệu đã ghi trong các số báo trước.

- Tài liệu mới: www.angelfire.com/ks3/hodacduy0/sanchoi/sanchoi_33.htm