Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

 1- Đại ý đoạn thơ tiếp theo

 

Từ Hải thắng trận trở về, sai 10 tướng dưới quyền tới nơi Kiều ở, cởi áo giáp, đặt gươm xuống và cúi đầu mời Kiều lên xe hoa, rồi rước nàng tới doanh trại đã được trang trí cờ xí rợp trời, đội kèn thổi và trống đồng nổi vang từng hồi. Từ Hải oai nghi cỡi ngựa ra đón nàng, đúng như lời hẹn ước trước khi lên đường chiến chinh. Đại lễ mừng chiến thắng cũng là lễ thành hôn giữa anh hùng và giai nhân. Kiều vui sướng trước cuộc sống dạt dào tình yêu, vinh hoa phú quí, để bù lại những năm tháng phong trần. Với tấm lòng thành, nàng đã kể đầu đuôi câu chuyện gian khổ, kể từ khi bán mình chuộc cha đến lúc phải sống cuộc đời làm gái giang hồ, bị đầy đọa ở Vô Tích và Lâm Tri. Từ Hải nghe xong thì nổi giận đùng đùng, sai hai toán quân, một đi Vô Tích, một tới Lâm Tri để bắt những kẻ đã xử tệ bạc với Kiều đem về trị tội. Từ Hải và Kiều ngồi trên bục cao và chàng dành cho nàng toàn quyền phán xét.

 

Ân nhân đầu tiên là Thúc Sinh, anh chàng sợ vợ, khi bị kêu tên thì sợ quá mặt xám như chàm, thân run bần bật. Nhưng Kiều không trả oán mà ca ngợi tình nghĩa của Thúc Sinh và công ơn cứu nàng. Thúc Sinh được tặng một trăm cuộn vải gấm và nghìn cân (lượng) bạc.

Ân nhân thứ hai là sư bà Giác Duyên được Kiều mời ngồi trên bục cao và được tặng nghìn lượng vàng để tỏ lòng biết ơn người hiền hoà không khác gì bà Phiếu Mẫu đối xử tử tế với Hàn Tín năm xưa.

 

Nạn nhân thứ nhất là Hoạn Thư, vợ Thúc Sinh, được Kiều chào hỏi nhưng trách móc “Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều’’. Hoạn Thư nghe qua thì tâm hồn tán loạn, bèn quì xuống dưới bục than thở rằng: “Rằng: Tôi chút dạ đàn bà, ghen tuông thì cũng người ta thường tình’’. Hoạn Thư khôn ngoan quỷ quyệt biện bác cho mình là thân phận đàn bà ai mà không ghen. Hoạn thư cũng gài Kiều vào cái thế khó xử bằng cách đặt câu hỏi nếu nàng rơi vào hoàn cảnh của mình thì nàng có nhường chồng cho người ta không? “Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai!’’ Vì thế, Kiều rơi vào tình trạng phân vân. Nếu tha Hoạn Thư thì may cho bà ta thoát nạn; mà xử tội thì mình bị coi là hạng người nhỏ nhen. Cuối cùng Kiều đành tha Hoạn Thư.

 

Các nạn nhân kế tiếp là Bạc Hạnh và mẹ là Bạc Bà; hai tên thuộc hạ của Hoạn Thư đi đốt nhà và bắt Kiều là tên Ưng và tên Khuyển; Sở Khanh, tên tay sai của Tú Bà; và chót là Tú Bà và Mã Giám Sinh, hai người lừa dối mua Kiều về làm vợ, nhưng lại bán vào lầu xanh, đều bị Kiều ra lệnh hành tội một cách tàn bạo: “Máu rơi thịt nát tan tành, Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời’’.

Sau đó sư bà Giác duyên từ giã Kiều và tiên đoán ba năm nữa có thể gặp nhau. Trả ân, báo oán xong, Kiều quì xuống cám ơn Từ Hải. Nhưng Từ Hải cho rằng, gặp việc bất công giữa đường chàng còn phải can thiệp, phương chi đây là việc nhà, việc của vợ, chàng làm sao không quan tâm. Từ ngày đó, danh tiếng của Từ Hải vang dội cả một góc trời và quyền uy của chàng như quyền năng của một triều đại, khiến cho triều đình phải nể sợ: “Nghêng ngang một cõi biên thùy, Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương. Trước cờ ai dám tranh cường, Năm năm hùng cứ một phương hải tần’’.

 

Thúy Kiều Báo Ơn Xưa, Trả Oán Cũ

 

Trong quân có lúc vui vầy,

Thong dong mới kể sự ngày hàn vi:

Khi Vô Tích, khi Lâm Tri,

Nơi thì lừa đảo, nời thì xót thương.

Tấm thân rày đã nhẹ nhàng,

Chút còn ân oán đôi đàng chưa xong.

2295. Từ Công nghe nói thủy chung,

Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang.

Nghiêm quân tuyển tướng sẵn sàng,

Dưới cờ một lệnh vội vàng ruổi sao.

Ba quân chỉ ngọn cờ đào,

Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri,

Mấy người phụ bạc xưa kia,

Chiếu danh tầm nã bắt về hỏi tra.

Lại sai lệnh tiễn truyền qua,

Giữ giàng họ Thúc một nhà cho yên.

2305. Mụ quản gia, vãi Giác Duyên,

Cũng sai lệnh tiễn đem tin rước mờ.

Thệ sư kể hết mọi lời,

Lòng lòng cũng giận, người người chấp uy!

Đạo trời báo phục chỉn ghê,

Khéo thay! Một mẻ tóm về đầy nơi,

Quân trung gươm lớn áo dài,

Vệ trong thị lập, cơ ngoài song phi.

Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi,

Bác đồng chật đất, tinh kỳ rợp sân.

2315. Trướng hùm mở giữa trung quân,

Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi.

Tiên nghiêm trống chửa dứt hồi

Điểm danh trước dẫn chực ngoài cửa viên.

Từ rằng: ân, oán hai bên,

Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh

Nàng rằng: Nhờ cậy uy linh,

Hãy xin báo đáp ân tình cho phu.

Báo ân rồi sẽ trả thù.

Từ rằng: Việc ấy phó cho mặc nàng.

2325. Cho gươm mời đến Thúc lang,

Mặt như chàm đổ, mình giường giẽ run.

Nàng rằng: Nghĩa trọng nghìn non,

Lâm Tri người cũ, chàng còn nhớ không?

Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng,

2330. Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân?

Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân,

Tạ lòng dễ xứng, báo ân gọi là!

Vợ chàng quỷ quái tinh ma,

Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau!

2335. Kiến bò miệng chén chưa lâu,

Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa.

Thúc Sinh trông mặt bấy giờ,

Mồ hôi chàng đã như mưa ướt đầm.

Lòng riêng mừng sợ khôn cầm,

2340. Sợ thay mà lại mừng thầm cho ai

Mụ già, sư trưởng thứ hai,

Thoắt đưa đến trước vội mời lên trên:

Dắt tay mở mặt cho nhìn:

Hoa Nô kia với Trạc Tuyền cũng tôi.

2345. Nhớ khi lỡ bước xẩy vời,

Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương.

Nghìn vàng gọi chút lễ thường,

Mà lòng phiếu mẫu mấy vàng cho cân?

Hai người, trông mặt tần ngần,

Nửa phần khiếp sợ, nửa phần mừng vui

Nàng rằng: Xin hãy dốn ngôi,

Xem cho rõ mặt, biết tôi báo thù!

Kíp truyền chư tướng hiến phù,

Lại đem các tích phạm tù hậu tra.

2355. Dưới cờ, gươm tuốt nắp ra,

Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư.

Thoạt trông nàng đã chào thưa:

Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây?

Đàn bà dễ có mấy tay,

Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan?

Dễ dàng là thói hồng nhan,

Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều!

Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu,

Khấu đầu dưới trướng, liệu điều kêu ca.

2365. Rằng: Tôi chút dạ đàn bà,

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình,

Nghĩ cho khi gác viết kinh,

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.

Lòng riêng riêng những kính yêu;

Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai.

Trót lòng gây việc chông gai,

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?

Khen cho: Thật đã nên rằng,

Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời,

2375. Tha ra thì cũng may đời,

Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.

Đã lòng tri quá thì nên,

Truyền quân lệnh xuống trường tiền tha ngay.

Tạ lòng lạy trước sân may,

2380. Cửa viên lại dắt một dây dẫn vào,

Nàng rằng: Lồng lộng trời cao,

Hại nhân, nhân hại sự nào tại ta?

Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà,

Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh.

2385. Tú Bà cùng Mã Giám Sinh,

Các tên tội ấy đáng tình còn sao?

Lệnh quân truyền xuống nội đao,

Thề sao thì lại cứ sao gia hình,

Máu rơi thịt nát tan tành,

Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời.

 

Thúy Kiều Giải Oan Mọi Người

 

Cho hay muôn sự tại trời,

Phụ người, chẳng bõ khi người phụ ta!

Mấy người bạc ác tinh ma,

Mình làm mình chịu kêu mà ai thương.

2395. Ba quân đông mặt pháp trường,

Thanh thiên, bạch nhật rõ ràng cho coi.

Việc nàng báo phục vừa rồi,

Giác Duyên vội vã gởi lời từ qui.

Nàng rằng: Thiên tải nhất thì,

2400. Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn.

Rồi đây bèo hợp mây tan,

Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu!

Sư rằng: Cũng chẳng bao lâu,

Trong năm năm lại gặp nhau đó mà.

2405. Nhớ ngày hành cước phương xa,

Gặp sư Tam Hợp vốn là tiên tri.

Bảo cho hội ngộ chi kỳ,

Năm nay là một nữa thì năm năm.

Mới hay tiền định chẳng lầm,

Đã tin điều trước ắt nhằm việc sau.

Còn nhiều ân ái với nhau,

Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì?

Nàng rằng: Tiền định tiên tri,

Lời sư đã dạy ắt thì chẳng sai.

2415. Họa bao giờ có gặp người,

Vì tôi cậy hỏi một lời chung thân.

Giác Duyên vâng dặn ân cần,

Tạ từ thoắt đã dời chân cõi ngoài

Nàng từ ân oán rạch ròi

Bể oan dường đã vơi vơi cạnh lòng

Tạ ân lạy trước Từ công:

Chút thân bồ liễu nào mong có rày!

Trộm nhờ sấm sét ra tay,

Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi!

2425. Chạm xương chép dạ xiết chi,

Dễ đem gan óc đền nghì trời mây!

Từ rằng: Quốc sĩ xưa nay,

Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?

Anh hùng tiếng đã gọi rằng,

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!

Huống chi việc cũng việc nhà,

Lọ là thâm tạ mới là tri ân.

Xót nàng còn chút song thân,

Bấy nay kẻ Việt người Tần cách xa.

2435. Sao cho muôn dặm một nhà,

Cho người thấy mặt là ta cam lòng.

Vội truyền sửa tiệc quân trung,

Muôn binh nghìn tướng hội đồng tẩy oan.

Thừa cơ trúc chẻ ngói tan,

Binh uy từ ấy sấm ran trong ngoài.

Triều đình riêng một góc trời,

Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà.

Đòi phen gió quét mưa sa,

Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam.

2445. Phong trần mài một lưỡi gươm,

Những loài giá áo túi cơm sá gì!

Nghênh ngang một cõi biên thùy,

Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương!

Trước cờ ai dám tranh cường,

Năm năm hùng cứ một phương hải tần.

 

2- Lời bàn thêm.

 

Chúng tôi nhận thấy thi hào Nguyễn Du tả việc Kiều trả oán chỉ tóm gọn trong hai câu thơ đầy đủ ý nghĩa là: “Máu rơi thịt nát tan tành, Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời.’’ Đọc qua hai câu thơ này quí độc giả không hình dung được cảnh Kiều ra lệnh cho tướng sĩ của Từ Hải tra tấn các nạn nhân một cách tàn bạo như thế nào. Trong thơ của cụ Nguyễn Du thì Kiều tha cho Hoạn Thư; nhưng so với tác phẩm Kim Vân Kiều, bản chính của tác giả người Tầu Thanh Tâm Tài Nhân thì Hoạn Thư cũng bị trả thù một cách tàn nhẫn.

Vì thế, chúng tôi ghi lại đây nội dung đoạn Kiều báo oán trong nguyên tác truyện Kim Văn Kiều của người Tầu.

... Bấy giờ trong dinh bắt đầu nổi lên một tiếng trống hiệu, bọn lính tay cầm cờ mầu lam hô to lên rằng: Đem bọn phạm nhân lớp một vào hầu. Hạ Báo (1) liền dẫn Hoạn thị, Kế thị (mẹ của Hoạn Thư), Bạc Bà, Bạc Hạnh vào quỳ dưới sân. Phu nhân bắt đầu tuyên bố tội trạng: Mụ Bạc Bà kia đẩy người vào trong cạm bẫy, còn tên Bạc Hãnh, bán người lương thiện vào nhà xướng ca. Vậy theo đúng lời thề trước của mi, lấy dao vằm nát thân thể, rồi cho ngựa ăn.

Còn mụ Bạc thì đem chặt đầu bêu lên ngọn cây phía trước. Bọn đao phủ được lệnh dạ lên một tiếng, tức thì lôi mụ Bạc Bà đem ra chặt đầu. Còn Bạc Hãnh thì dùng chiếu bó như bó củi, ngoài quấn dây thừng thật chặt, rồi hai người giữ, một người cầm cưa, cắt từ dưới chân lên đầu thành hơn 100 đoạn. Ghê thay một cái thân hình như vậy mà trong giây phút thịt nát như bùn, người coi ai cũng hoảng hồn chết ngất. Bọn đao phủ vào bẩm đã thi hành xong, phu nhân truyền đem đống thịt trộn lẫn với cỏ để cho ngựa ăn.

 

Kế đó, gọi đến phạm nhân họ Hoạn. Họan Thư chẳng còn hồn vía, kêu xin phu nhân tha thứ tính mạng kẻ hèn này. Vương phu nhân rằng: Hoạn tiểu thư, nhà ngươi có nhiều mưu chước hay và cũng có gan nhẫn nại đó. Nhưng mà bất cứ việc gì cũng nên để lại chút tình, thì sau gặp gỡ khỏi ngượng. Vậy nay ngươi gặp lại ta, nhất định không thể sống được. Hoạn Thư khấu đầu lia lịa thưa rằng: Tội của tiện thiếp thực đáng muôn chết, nhưng xin phu nhân nhớ lại trước kia phu nhân viết tờ cung trạng, làm thiếp tôi động mối tình thương, nên đã để phu nhân viết kinh trên Quan Âm Các. Rồi khi phu nhân bước ra khỏi cửa, thiếp chẳng hề đuổi theo. Cái đó đủ biết lòng riêng vẫn kính yêu, chỉ vì thế bất lưỡng cập (tình thế không cho phép đứng đôi), nghĩa là không thể cắt sợi tơ tình chia lòng sủng ái, mà nó xui nên tội lỗi oan gia, dám xin phu nhân xét lại. Vương phu nhân tỏ vẻ nghĩ ngợi một lát rồi nói tiếp: Ta đây chỉ muốn ăn thịt và lột da ngươi, để tiêu mối hận ngày trước. Nhưng giờ đây, sở dĩ ngươi được thoát chết là lúc ta đi ngươi chẳng đuổi theo, tỏ ý hé mở cửa lồng cho chim bay bổng.

Nhưng còn tội sống thì ngươi không thể chối cãi được đâu. Vậy ta hỏi: Bọn sang Lâm Truy bắt ta là những tên nào? Cứ việc khai đúng sự thực, để chúng gánh bớt một phần tội lỗi cho ngươi. Hoạn Thư cúi đầu thưa rằng: Những kẻ thi hành mưu kế dẫu là Hoạn Khuyển, Hoạn Ưng, nhưng người bầy ra mưu đó chính là tiện thiếp. Bọn chúng chẳng qua chỉ biết theo lệnh mà thôi. Nếu đem chúng ra gánh tội thay thì thiếp không nỡ. Phu nhân rằng: Thế ra ngươi chính là phụ nữ dám nhận cả phần oan cừu vào mình đó chăng? Rồi nàng gọi quân đao phủ đem bọn Ưng, Khuyển ra chém đầu để cảnh cáo những kẻ hào nô (nô bộc của phú hào) khác. Đao phủ dạ ran, lôi tuột hai tên ra chém đầu.

 

Phu nhân lại truyền tả hữu đem Kế thị ra nọc đánh 30 roi. Quân lính đương sắp ra tay thì Hoạn Thư ôm chầm lấy mẹ xin chịu đòn thay, và mụ quản gia (2) cũng vội quỳ xuống thưa rằng: Tội trạng của bà chủ tôi quả thực không thể tha thứ, vậy kẻ tớ già này xin tình nguyện thay chết cho chủ mẫu. Phu nhân rằng: Thôi thì ta cũng nể lời mụ quản gia tha chết cho thị để mụ nhận lãnh đem đi. Mụ quản gia tạ ơn rồi đỡ Kế thị ra ngoài dinh trại. Nhưng Kế thị năm ấy tuổi ngoài sáu mươi, lại là một vị nhất phẩm phu nhân, chưa từng gặp cảnh khổ nhục bao giờ mà nay bị bắt từ huyện Vô Tích giải đến, khổ sở biết bao, lại thấy ba quân giết người như rạ, trong khi tuổi nhiều sức yếu, mụ đã khiếp đảm chết ngay tức thì. Mụ quản gia đành ngồi một bên để trông nom thi thể.

Vương phu nhân thấy mụ quản gia đem Kế thị đi rồi, bèn truyền lệnh cho cung nữ đem Hoạn Thư ra, lột trần áo xiêm rồi treo lên đánh 100 trượng. Cung nữ dạ ran, túm tóc Hoạn Thư lôi ra, lột hết áo quần, chỉ để chừa một cái khố, tóc bị buộc lên xà nhà. Hai tên cung nữ mỗi tên túm một tay để lôi giăng ra, hai tên khác thì cầm vọt ngựa đứng trước và sau, một tên đánh từ trên đánh xuống, một tên đánh từ dưới đánh lên, đánh như con đỉa bỏ trong thùng vôi, con lươn trong vạc nước nóng, luôn luôn dẫy dụa kêu trời. Toàn thân chẳng còn miếng da nào lành lặn. Sau khi cung nữ báo cáo đủ 100 roi, phu nhân truyền lệnh lôi ra cho Thúc Sinh nhận lãnh. Cung nữ vâng lệnh, cởi tóc đem Hoạn Thư xuống, lôi ra phía ngoài gọi Thúc Sinh vào nhận. Thúc Sinh tạ ơn xong nhìn đến Hoạn Thư, thấy nàng chỉ còn thoi thóp thì chàng than rằng: Em ơi, chỉ vì cái khiếu thông minh của em đó mà phải rước lấy tai vạ, cầm dao cắt thịt của mình. Rồi một mặt thu nhận thi thể Kế thị, một mặt đỡ Hoạn Thư về chạy chữa đến nửa năm trời mới khỏi.

 

Kế đó Sử Chiêu (3) giải bọn Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh vào dinh. Phu nhân hỏi: Tú Bà, mi có nhận được ta là ai không? Tú Bà đáp: Kẻ hèn mọn này không nhận được ạ! Phu nhân thét bảo: Mi hãy ngóc đầu lên nhìn xem ta là ai? Quân sĩ dạ ran, túm tóc mụ kéo lật về phía sau. Bấy giờ mụ mới nhận rõ là Vương Thúy Kiều, thì luôn miệng kêu rằng: Tội của kẻ hèn mọn này thật đáng muôn lần bị chết chém. Chỉ xin phu nhân thương cho phần nào. Phu nhân cười bảo: Lúc này mà mi còn mơ tưởng đến sự sống sao? Lời thề trước ngọn đèn trời ngày xưa hỏi đã tiêu tan thế nào được hử? Quân sĩ đâu, lôi con Tú Bà này ra, lấy dầu vông đun sôi để tẩm vào người, rồi dựng ngược cho đầu xuống đất, chân chổng lên trời, châm lửa đốt như ngọn đèn trời để làm tròn lời thề ngày trước. Mau lên!

Còn tên Mã Bất Tiến (tên thật của Mã Giám Sinh) thì kẹp chân tay vào mảnh gỗ cho căng thẳng ra, rồi rạch da và moi gân khiến cho tứ chi rời rạc, để ứng lời thề của nó. Ngoài ra, lại nấu một nồi dầu thông trộn lẫn với vỏ cây gai, đun thật sôi và lấy thùng nước lã lớn để bên, rồi đem Sở Khanh ra, lột hết áo xiêm, một người thì múc dầu thông đun sôi rưới vào mình hắn, một người thì lấy nước lạnh dội theo.Quân sĩ được lệnh lôi ba phạm nhân ra ngoài. Tú Bà thì cuốn thành một cây sáp lớn. Phía dưới chỉ lộ cái đầu. Mã Giám Sinh thì bị căng xác. Sở Khanh bị quấn thành một thỏi sắt nguội. Đoạn rồi phu nhân hô to:“Đốt sáp”, quân sĩ bèn châm lửa vào chân Tú Bà. Mụ mới bị châm một mồi lửa đã kêu đau ầm ĩ. Phu nhân mắng rằng: Mi cũng biết đau ư? Cớ sao ngày trước mi nỡ lòng hủy hoại da thịt người khác? Tú Bà chết ngất, không trả lời được nữa.

Kế đến Mã Giám Sinh, quân sĩ tìm chỗ chùm gân, lấy mũi dao nhọn khoét da, rồi dùng lưỡi câu móc vào đầu gân, dùng sức lôi mạnh một cái. Giám Sinh lập tức chết tươi. Quân sĩ rút thêm ba bốn cái gân nữa làm cho thi thể Giám Sinh rời ra từng mảnh. Phu nhân bèn sai quẳng ra ngoài bể cho cá nóc ăn để báo lại tội bạc tình.

 

Còn Sở Khanh bị tẩm dầu thông và keo vỏ gai, bên trong tuy vẫn còn sống nhưng bên ngoài không cựa quậy được. Quân sĩ chạy đến bóc lột miếng vỏ gai nơi đầu ra, thì ngoài da đã bị dầu thông ăn loẻn, chẳng cần dùng sức, chỉ tuốt một cái thì lột hết da. Độ nửa giờ sau, thân thể Sở Khanh chỉ còn trơ lại một cục máu đỏ lòm nhưng vẫn còn thoi thóp. Phu nhân lại sai đem nước vôi rưới vào, tức thì toàn thân Sở Khanh nổi lên những cái mụn như là bọt nước. Rồi sau ít phút trở thành mủ, rã thịt lòi xương mà chết thê thảm...’’

 

3- Chú giải và điển tích

 

-Câu 2329: Sâm Thương

Sâm Thương, tên gọi trong dân gian là sao Hôm, sao Mai, là hai vì sao chẳng bao giờ trông thấy nhau, một đằng ở phía Đông buổi tối, một đằng ở phía Tây ban sáng. Truyện Thần tiên kể rằng: “Hàng năm, tại Thiên đình có hội Bàn Đào, tiên ông tiên nữ tề tựu dâng lễ vật, hái đào tiên chúc tụng Ngọc Hoàng. Tiên đồng Bảo Sâm theo hầu một tiên ông, ngọc nữ Thanh Thương theo hầu một tiên cô. Hai trẻ tình cờ, gặp gỡ, quen biết nhau rồi sinh tình. Trước ngày mở hội, đôi trẻ có chút thời gian bên nhau tình tự.

Một nhân vật thứ ba, tiểu đồng Trường Quang, cũng tình cờ gặp gỡ Thanh Thương, nhưng tình chỉ sinh một hướng, Thanh Thương đã yêu đậm Bảo Sâm mất rồi. Bị tình lờ, Trường Quang sầu thảm. Đến ngày Bàn Đào khai hội, đàn ca xướng hát rộn ràng. Các tiểu đồng, ngọc nữ nhịp nhàng như vũ điệu, tay bưng khay, tay nâng chén ngọc hầu rượu các tiên ông tiên bà. Thanh Thương, là ngọc nữ hát hay múa đẹp nhất, nên được chọn dâng chén cho Ngọc Hoàng. Nhưng tâm hồn nàng để lạc đâu đâu, đôi mắt cứ dõi tìm Bảo Sâm, nên sẩy tay đánh rơi cả khay ngà chén ngọc. Thanh âm ngọc vỡ tan hoang. Từ bàn dưới nhìn lên, Bảo Sâm thấy tai họa đang giáng xuống cho người yêu cũng sửng hồn, khay chén trên tay cũng đánh xoảng rơi xuống đất. Đàn ca xướng hát thanh thoát, bỗng nín bặt.’’

 

Ngọc Hoàng xử tội ngay đôi trẻ:

 

-Đôi tiên đồng, ngọc nữ còn non tuổi mà lại dám bày trò yêu đương nơi cõi tiên, tội đáng đày xuống trần gian cho làm một kiếp thú, sống trong núi thẳm rừng sâu, kiếp sau mới được đầu thai làm người ở luôn dưới cõi trần...

Trường Quang không phạm lỗi chi cũng run lập cập khi Ngọc Hoàng đang xử tội người yêụ. Một chiều, khi vừa nghe lời kết tội đày xuống trần gian làm thú, không nén được đau thương, Trường Quang đã thét lớn: “Thanh Thương ơi, Thanh Thương ơi, ta nguyện theo nàng xuống trần gian’’. Ngọc Hoàng thêm giận: “Ừ muốn theo thì ta cho thỏa ước mơ, truyền cho đày tiểu đồng tình dại này đi chung một chuyến.’’

Các tiên ông tiên bà, thương cho ba trẻ tình si, chỉ vì thương yêu mà chuốc họa. Họ đồng thanh xin Ngọc Hoàng nương tay, chớ đày xuống trần gian, mà hãy cho ở lưu lạc đâu đó trên trời. Lời cầu xin của các tiên, Ngọc Hoàng nguôi nguôi cơn giận, phán lại lần cuối cho chúng làm hai ngôi sao, tuy ở chung cùng trời, nhưng không bao giờ được gặp nhau. Nàng Thanh Thương làm sao Thương, là sao Hôm, chỉ mọc lên ở hướng Đông lúc về ban đêm; Bảo Sâm trở thành sao Sâm, là sao Mai, mọc ở phía Tây lúc trời hừng sáng. Còn Trường Quang, sẽ được như ý, suốt đời tìm kiếm tình yêu, thì biến thành sao “vượt” (sao băng), bay đi xẹt lại trọn kiếp mà kiếm tìm.

Ca dao Việt Nam ta có câu:

Sao hôm chờ đợi sao mai

Trách lòng sao vượt nhớ ai băng chừng.

Sao vượt (sao băng) muôn đời vẫn mang theo điều mơ ước.

Ngày nay, có ai mong mỏi điều gì, hãy ngước nhìn lên trời đón ánh sao Băng, điều ước mơ sẽ được toại nguyện. Nhưng còn sao Sâm, sao Thương, theo phán xử của Ngọc Hoàng phải nghìn trùng xa cách, kẻ Đông người Tây, đêm ngày đuổi bắt nhau mà không gặp được.

 

-Câu 2348: Phiếu Mẫu

Theo sách Tây Hán chí thì Hàn Tín, người ở Hoài Âm, nước Sở, nhà nghèo, phải làm nghề câu cá. Khi mẹ mất, vì muốn xây cất cho mẹ ngôi mộ ở nơi đẹp đẽ trên núi cao mà bán cả nhà cửa, xách kiếm đi lang thang ngoài chợ. Bà Phiếu Mẫu, nhà nghèo khó, đã giúp Hàn Tín trong cơn đói cơm rách áo. Thuở hàn vi, Hàn Tín nghèo rớt mồng tơi, ngày ngày câu cá, nhưng cũng không kiếm đủ miếng ăn. Tuy vậy, Hàn Tín lại rất ham mê đèn sách, nghiên cứu binh thư và muốn ra oai như mình là con nhà võ, đi đâu cũng lè kè mang theo cây kiếm. Bà Phiếu Mẫu ở cạnh nhà, kiếm ăn bằng nghề giặt thuê. Tuy miếng cơm vẫn thiếu trước hụt sau, nhưng thấy Hàn Tín quá đói khát, bà thường dẫn chàng dở hơi này về nhà cho cơm ăn. Hàn Tín cảm động thưa:

-Xin cảm ơn bà đã quá tử tế với tôi. Sau này công thành danh toại tôi nguyện sẽ không quên ơn bà.

Phiếu Mẫu cười hiền hậu:

-Ta thấy ngươi đói khát, nên chia sẻ miếng cơm giọt nước với ngươi, chứ đâu cần ngươi sẽ trả ơn. Đàn ông gì như ngươi, tự nuôi thân không nổi thì nói chi đến quyền cao chức trọng sau này.

Hàn Tín hổ thẹn vì lời chê trách, nên không dám tìm qua nhà Phiếu Mẫu kiếm cơm nữa. Bà già vẫn thương người cùng khổ, ngày ngày đem cơm đặt trước căn lều của Hàn Tín. Người trong làng xóm biết chuyện, gọi đó là “Bát cơm Phiếu Mẫu”.

 

Một hôm ở ngoài chợ có gã bán thịt to lớn, trông thấy Hàn Tín bước đi xiêu vẹo, nhưng vẫn lòng thòng thanh kiếm bên lưng. Gã trêu tức:

-Này tên ma đói kia, nam nhi như mày mà không kiếm ăn được, hằng bữa phải nhờ đến bát cơm Phiếu Mẫu, không biết nhục à? Có giỏi thì rút kiếm ra đấu, ta tay không. Thắng được ta thưởng cho cái đầu heo. Bằng không dám đấu, thì luồn dưới trôn của ông nội mày đây.

Sắc mặt Hàn Tín đã xanh này càng xanh hơn. Tần ngần một lúc, Hàn Tín khúm núm lòn qua trôn gã hàng thịt. Cả chợ nhốn nháo chê cười Hàn sĩ. Nhưng có một tiều phu là Hứa Phụ, tình cờ qua đó, dừng lại trước Hàn Tín và nói:

-Huynh là người có tướng vương hầu; tuy nay khốn khổ nhưng hậu vận lại vinh hoa phú quí.

Hàn Tín trở về túp lều, ngày đêm vẫn miệt mài dùi mài kinh sử. Lúc Hạng Lương nước Sở khởi binh đánh Tần, Hàn Tín đứng chống gươm bên bờ sông Tứ Thủy, tự tìm cơ hội tiến thân. Trông thấy Hàn Tín ngoại hình xanh xao vàng vọt, Hạng Lương “dội” ngay. Nhưng quân sư Phạm Tăng vội khuyên:

-Tuy nhìn bề ngoài yếu đuối, nhưng chân tướng là người thao lược, ngài chớ nên bỏ.

Hạng Lương miễn cưỡng nhận lời, cho Hàn Tín làm chấp kích lang, tức là vác giáo theo hầu.

Trong thời gian này, Lưu bang đang dựng nghiệp đế ở Hán Trung, nhờ Trương Lương, giả làm lái buôn, đi chu du thiên hạ để chiêu hiền. Khi đến đất Sở, gặp được Hàn Tín, Trương Lương nhận ra ngay đây là một chân tài nhưng Sở không biết dùng người. Trương Lương bèn làm quen, và trao cho Hàn Tín một thanh kiếm báu, đề thơ tặng:

Kiếm báu lập lòe tay dũng sĩ,

Non sông một giải chí hiên ngang.

Máu hồng, men rượu say băng tuyết

Muôn dặm sơn hà một tấc gang.

 

Hàn Tín đang còn ngỡ ngàng, thì Trương Lương đã tiếp:

-Tại hạ biết được huynh là đấng hào kiệt nên đem kiếm báu tặng chứ không bán. Nay có chút quà mọn, xin huynh chớ từ chối. Hãy cùng nhau nhấp chén rượu mừng buổi sơ kiến. Hẹn ngày hội ngô trên đất Hán.

Sau chầu rượu, Trương Lương thuyết phục Hàn Tín nên bỏ Sở, về phò Lưu Bang, là người nhân đức biết trọng lương thần, xứng danh thiên tử. Hàn Tín thuận tình, nên bỏ trốn khỏi Sở. Mấy ngày lạc trong rừng không tìm được đường đến Hán Trung, đói khát lả người. May thay, Tín gặp được một lão tiều, cho ăn uống và hướng dẫn đường đi nước bước chu đáo. Hàn Tín sụp lậy cảm ơn cứu tử, rồi nhanh nhẹn lên đường. Nhưng vừa qua được một khúc quanh, Hàn Tín chợt nghĩ:

-Ta đang bị Sở Bá Vương truy nã. Nếu chẳng may quan quân Sở cũng lần ra dấu vết đến đây, hỏi lão tiều phu này, thì tính mạng ta khó thoát. Lão già suốt ngày lầm lũi trong rừng sâu, rồi cực khổ cũng chết khô xương, còn ta, cả cơ đồ sáng lạng trước mắt. Thôi thì, ta đành làm người vong ơn bội nghĩa..

 

Hàn Tín quay trở lại. Kiếm vung lên, thân lão tiều phu đứt làm đôi. Hàn Tín đem xác vùi bên sườn núi.

Khi đến Hán Trung, Hàn Tín được Tiêu Hà, cận thần của Hán Vương tiếp kiến, liền tiến cử với Hán Vương. Vừa nghe đến tên Hàn Tín, Hán Vương đã cười khẩy:

-Khi còn ở huyện Bái, ta đã nghe tiếng người này lòn trôn Đỗ Trung, xin cơm Phiếu Mẫu, làng nước ai cũng khinh bỉ. Con người như vậy thì làm sao mà làm được việc lớn?

Tiêu Hà bào chữa:

-Xin Chúa công hãy suy xét, nhiều người bần tiện thuở thiếu thời nhưng sau vẫn dựng nên sự nghiệp, như Y Doãn là người sơn dã, Thái Công là kẻ đi câu ở sông Vị, Ninh Thích là gã buôn xe, Quản Trọng là kẻ tội đồ, đến lúc gặp thời đều làm nên đại sự. Hàn Tín tuy đã lòn trôn mưu sống, xin cơm cứu đói, giết ân nhân để trừ hậu hoạn… nhưng đó vẫn là người uyên bác, mưu lược; không dùng, tất hắn sẽ bỏ đi tìm nơi khác trọng dụng.

Nể lời tấu trình của cận thần, Hán Vương giữ Hàn Tín lại, cho làm thủ kho lương thực. Tiêu Hà không đồng ý vì cho rằng Hàn Tín là người trí dũng, đem dùng vào việc nhỏ không xứng với tài năng. Phần Hàn Tín cũng chán nản; nấn ná một hai hôm lại trốn đi, để lại ít câu thơ, thảo trên vách:

 

Anh hùng lỡ vận bước long đong

Thà chịu an thân khỏi thẹn lòng

Vó ngựa xa vời trông cố quận

Công danh chán ngắt mộng anh hùng.

Tiêu Hà hay tin Hàn Tín đã bỏ đi, dậm chân kêu trời, tiếc thay người tài không có đất dụng võ. Không nản lòng, Tiêu Hà đem theo ít quân hầu lần theo dấu tích Hàn Tín. Khi tìm gặp được, Tiêu Hà cầm tay Hàn Tín ân cần:

-Cổ nhân có câu: Sĩ vị tri kỷ giả tử (kẻ sĩ có thể chết theo người tri kỷ). Tại hạ hiểu huynh là người tài, đã quyết tâm tiến cử, nhưng Chúa công vần chưa tin dùng. Nay nếu một lần tiến cử nữa, mà Chúa công vẫn không nhận, thì Tiêu Hà này cũng từ chức mà lui về vườn.

 

Hàn Tín cảm kích lòng thành của Tiêu Hà, nên lại lên ngựa quay trở về Hán Trung. Nghĩ đến số phận mình còn long đong, Hàn Tín đề thơ:

Mây gió phôi pha bóng nguyệt tà

Vận thời chưa gặp khó bôn ba

Nghèo hèn phận bạc đờì dang dở

Con tạo trêu ngươi mãi thế à!

 

Chợt, Hàn Tín nhớ mấy câu thơ của "anh lái buôn" Trương Lương đã đề tặng mình. Lúc đó, Trương Lương vẫn còn chu du chiêu hiền chưa về đến. Hàn Tín đưa thơ cho Tiêu Hà xem. Tiêu Hà mừng rỡ:

-Trời đất, thư giới thiệu của Tử Phòng, sao tướng công đã không trình cho Chúa công.

Khi xem thơ của Trương Lương, Hán Vương giật mình:

-Ôi chao, thì ra người của Trương Tử Phòng tiến cử. Ta thật không biết nhìn người.

 

Theo đề cử của Tiêu Hà, Hán vương phong Hàn Tín làm Đại Nguyên Soái. Hàn Tín đã đem tài năng mình phò Lưu Bang, tóm thâu thiên hạ, dựng nên nhà Hán. Hàn Tín diệt Tề, thiên hạ 7 nước thì 6 đã theo Hán. Nước Sở rơi vào tình trạng cô thế, Hạng Vũ sai thuyết khách đến dụ ông phản Nhà Hán nhưng ông không nghe. Mưu sĩ của ông là Khoái Triệt nhân đó cũng khuyên ông phản Hán để chia ba thiên hạ, nhưng Hàn Tín không nỡ. Tuy vậy, Hàn Tín vừa lập được công xong lập tức bị tước binh quyền. Tới tháng giêng năm 202 trước Công nguyên, Lưu Bang đời Tề Vương Tín làm Sở Vương, đóng đô ở Hạ Bì. Lưu Bang lên ngôi hoàng đế, tức là Hán Cao Đế hay Hán Cao Tổ.

Nhớ ơn xưa nghĩa cũ, Hàn Tín về nước, cho gọi bà giặt vải Phiếu Mẫu đã cho mình ăn, để thưởng ngàn vàng. Rồi ông lại gọi người thanh niên đã bắt mình luồn qua háng cho làm quan nước Sở. Mọi người ngạc nhiên, nhưng ông nói với các tướng văn võ:

Hắn là tráng sĩ đấy, lúc hắn làm nhục ta, ta có phải không giết được hắn đâu? Nhưng giết hắn thì không có danh nghĩa gì.’’

(Vì bài viết đã dài, chúng tôi hy vọng sẽ có dịp kể rõ hơn về Hàn Tín, một Đại tướng, một mưu sĩ hàng đầu đã giúp Hán Cao Tổ chiếm 6 nước; nhưng lại thua mưu và bị chết dưới tay đàn bà!)

----------------------------------

Chú thích:

(1)-Một viên tướng của Từ Hải - ghi chú của báo Ngày Nay.

(2)-Quản gia nhà mẹ Hoạn Thư, đã giúp đỡ Kiều khi nàng bị bắt về Vô Tích, và được Kiều tặng 100 lạng vàng, 2000 lạng bạc trong buổi báo ân xử oán - ghi chú của báo Ngày Nay

(3)-Một tướng khác của Từ Hải.