Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

Sau đó Kiều bị già Hồ gả cho Thổ Quan. Hận số phận, nàng bèn nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử

 

1- Đại ý đoạn thơ kế tiếp

 

Triều đình nghe danh vang của Từ Hải thì nể sợ, bèn sai quan đại thần là Hồ Tôn Hiến đem quân đóng gần. Để chiêu dụ họ Hồ sai hai mỹ như bưng nghìn cân ngọc, vàng, gấm vóc tới tặng cho Từ Hải. Nhưng Từ Hải coi mình là tay anh hùng xông pha trời Ngô, bể Sở và cuộc sống tung hoành cả một biên thùy không thú vị hơn hay sao mà nay lại chịu về làm quan qui hàng triều đình? "Chọc trời khuấy nước mặc dầu, Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?" Tuy nhiên, trước vinh danh chức vị và vàng ngọc châu báu, Kiều lại xiêu lòng nói với chàng rằng, cuộc đời trôi nổi phiêu bạt của mình và của chàng, một Tướng nổi loạn đã gây nên chiến tranh để lại những đống xương cao bằng đầu; nếu cứ tiếp tục, chàng có thể cướp thiên hạ như Hoàng Sào; nhưng cuối cùng sẽ rơi vào hoàn cảnh của Hoàng Sào thi số phận vợ chồng ra sao? "Ngẫm từ gây việc binh đao, Đống xương Vô định đã cao bằng đầu. Làm chi để tiếng về sau, Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào!". Như vậy, tốt nhất là ra đầu hàng để được hưởng bổng lộc quyền cao và sống hạnh phúc với gia đình.

Đúng là "Vua nghe vợ mất nước; Tướng nghe giặc dụ mất đầu!"

 

Từ Hải nghe Kiều khuyên, đang từ thế tấn công như vũ bão trở thành thế yếu, bỏ bê canh gác và phòng thủ. Hồ Tôn Hiến cho tiến quân giả bộ làm lễ hòa hoãn, nhưng sau đã chuẩn bị một toán quân tấn công bất ngờ. Dù bị lừa dối và sa vào bẫy, nhưng từng mang danh đội trời đạp đất, ngang tàng coi thiên hạ không ra gì, Từ Hải tả xông hữu đột, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tuy nhiên, sức người có hạn, chàng bị đâm chết mà thân xác vẫn đứng như bức tượng đá "Trơ trơ như đá vững như đồng, Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời." (1) 

 

Kiều được binh lính báo tin vội chạy tới chiến trường thấy chồng chết đứng, bèn hối hận than thở: "Khóc rằng: Trí dũng có thừa, Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này!" Vừa khóc thương, vừa hối hận, Kiều đập đầu vào bên xác Từ Hải thì bỗng nhiên xác chàng liền ngã xuống, như cảm thông được nỗi lòng của nàng! Quan quân đưa nàng vào doanh trại ra mắt quan triều đình. Hồ Tôn Hiến ca tụng Kiều có công đem lại thắng lợi cho vua và hỏi nàng muốn được thưởng gì?

 

Kiều hối hận oán than, tưởng rằng chồng được phú quý thì vợ được vinh quang; nhưng nay thì: "Tin tôi nên quá nghe lời, Đem thân bách chiến làm tôi triều đình. Ngỡ là phu quí phụ vinh, Ai ngờ một phút tan thành thịt xương!" Cuối cùng vì muốn bảo toàn thân xác của Từ Hải không bị chặt đầu phanh thây, vì tội làm giặc, nàng xin được chôn xác chồng bên bờ sông cho trọn tình nghĩa phu thê. Hồ Tôn Hiến chấp nhận lời yêu cầu của Kiều rồi tổ chức tiệc mừng liên hoan thắng trận. Hồ già bắt Kiều hầu rượu và đàn ca giúp vui. Kiều phận bạc như vôi, nên mỗi khi cầm đàn lên là gẩy ngay khúc ca "Bạc Mệnh" khiến họ Hồ cũng phải ngạc nhiên, hỏi ra thì nàng trả lời đã quen gẩy khúc nhạc này từ hồi tuổi thơ. Sau một đêm yến tiệc linh đình, mặt già Hồ đanh như thép mà thấy Kiều cũng phải đắm say. Sáng ra họ Hồ thấy mình là thượng quan của triều đình mà ngồi ăn uống say sưa với vợ giặc Từ Hải là gái làng chơi thì trên dưới sao kính phục; nên bày kế gả Kiều cho một quan thuộc dân tộc thiểu số. Kiều mang mặc cảm đã giết chồng mà nay lại đồng ý làm vợ thổ quan hay sao? "Giết chồng mà lại lấy chồng, Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời?"

 

Buồn cho thân phận và để kết liễu đời mình Kiều bèn nhẩy xuống sông Tiền Đường, nơi mà hồn ma Đạm Tiên đã báo mộng trước đây. Nhưng nợ trần của nàng vẫn chưa trả xong, nên bất ngờ lại được sư bà Giác Duyên đang di du hành gần đó, được đạo cô Tam Hợp cho biết, liền thuê ngư phủ vớt được và cứu sống nàng. Trong lúc hôn mê Kiều như gặp lại hồn ma Đạm Tiên và biết tên mình đã được rút ra khỏi sổ đoạn trường, tương lai sẽ được nối lại duyên xưa và phúc hậu đầy tràn. "Đoạn trường sổ rút tên ra, Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau. Còn nhiều hưởng thụ về lâu, Duyên xưa tròn trặn phúc sau dồi dào!". Nhưng khi nghe gọi tên qui y của mình là Trạc Tuyền, Kiều tỉnh dậy thì thấy sư bà Giác Duyên ngồi bên cạnh; rồi nàng được sư bà đưa về chùa nuôi dưỡng.

 

Kiều Mắc Lừa Hồ Tôn Hiến, Từ Hải Hàng

 

Có quan tổng đốc trọng thần,

Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài.

Đẩy xe vâng chỉ đặc sai,

Tiện nghi bát tiểu việc ngoài đổng nhung.

2455. Biết Từ là đấng anh hùng,

Biết nàng cũng dự quân trung luận bàn.

Đóng quân làm chước chiêu an,

Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuyết hàng.

Lại riêng một lễ với nàng,

Hai tên thể nữ ngọc vàng nghìn cân.

Tin vào gởi trước trung quân,

Từ công riêng hãy mười phân hồ đồ.

Một tay gây dựng cơ đồ,

Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành!

2465. Bó thân về với triều đình,

Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?

áo xiêm ràng buộc lấy nhau,

Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?

Sao bằng riêng một biên thùy,

2470. Sức này đã dễ làm gì được nhau?

Chọc trời khuấy nước mặc dầu,

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?

Nàng thời thật dạ tin người,

Lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu.

2475. Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,

Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân.

Bằng nay chịu tiếng vương thần,

Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì!

Công tư vẹn cả hai bề,

2480. Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.

Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,

Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha.

Trên vì nước dưới vì nhà,

Một là đắc hiếu hai là đắc trung.

2485. Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,

E dè sóng vỗ hãi hùng cỏ hoa.

Nhân khi bàn bạc gần xa,

Thừa cơ nàng mới bàn ra nói vào.

Rằng: Trong Thánh trạch dồi dào,

2490. Tưới ra đã khắp thấm vào đã sâu.

Bình thành công đức bấy lâu,

Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao.

Ngẫm từ gây việc binh đao,

Đống xương Vô định đã cao bằng đầu.

2495. Làm chi để tiếng về sau,

Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào!

Sao bằng lộc trọng quyền cao,

Công danh ai dứt lối nào cho qua?

Nghe lời nàng nói mặn mà,

2500. Thế công Từ mới trở ra thế hàng.

Chỉnh nghi tiếp sứ vội vàng,

Hẹn kỳ thúc giáp quyết đường giải binh.

Tin lời thành hạ yêu minh,

Ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng.

2505. Việc binh bỏ chẳng giữ giàng,

Vương sư dòm đã tỏ tường thực hư.

 

Hồ Tôn Hiến Phục Binh Giết Từ Hải

 

Hồ công quyết kế thừa cơ,

Lễ tiên binh hậu khắc cờ tập công.

Kéo cờ chiêu phủ tiên phong,

Lễ nghi dàn trước bác đồng phục sau.

Từ công hờ hững biết đâu,

Đại quan lễ phục ra đầu cửa viên.

Hồ công ám hiệu trận tiền,

Ba bề phát súng bốn bên kéo cờ.

2515. Đương khi bất ý chẳng ngờ,

Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn!

Tử sinh liều giữa trận tiền,

Dạn dầy cho biết gan liền tướng quân!

Khí thiêng khi đã về thần,

2520. Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng!

Trơ như đá vững như đồng,

Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời.

Quan quân truy sát đuổi dài.

ầm ầm sát khí ngất trời ai đang.

2525. Trong hào ngoài lũy tan hoang,

Loạn quân vừa dắt tay nàng đến nơi.

Trong vòng tên đá bời bời,

Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ.

Khóc rằng: Trí dũng có thừa,

Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này!

Mặt nào trông thấy nhau đây?

Thà liều sống thác một ngày với nhau!

Dòng thu như dội cơn sầu,

Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên.

2535. Lạ thay oan khí tương triền!

Nàng vừa phục xuống Từ liền ngã ra.

Quan quân kẻ lại người qua,

Xót nàng sẽ lại vực ra dần dần.

Đem vào đến trước trung quân,

2540. Hồ công thấy mặt ân cần hỏi han.

Rằng: Nàng chút phận hồng nhan,

Gặp cơn binh cách nhiều nàn cũng thương!

Đã hay thành toán miếu đường,

Giúp công cũng có lời nàng mới nên.

2545. Bây giờ sự đã vẹn tuyền,

Mặc lòng nghĩ lấy muốn xin bề nào?

Nàng càng giọt ngọc tuôn dào,

Ngập ngừng mới gửi thấp cao sự lòng.

Rằng: Từ là đấng anh hùng,

Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi!

Tin tôi nên quá nghe lời,

Đem thân bách chiến làm tôi triều đình.

Ngỡ là phu quý phụ vinh,

Ai ngờ một phút tan tành thịt xương!

2555. Năm năm trời bể ngang tàng,

Đem mình đi bỏ chiến trường như không.

Khéo khuyên kể lấy làm công,

Kể bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu!

Xét mình công ít tội nhiều,

Sống thừa tôi đã nên liều mình tôi!

Xin cho tiện thổ một doi,

Gọi là đắp điếm cho người tử sinh.

Hồ công nghe nói thương tình,

Truyền cho cảo táng di hình bên sông

 

Hồ Tôn Hiến Ép Gả Kiều Cho Viên Thổ Quan

 

2565. Trong quân mở tiệc hạ công,

Xôn xao tơ trúc hội đồng quân quan.

Bắt nàng thị yến dưới màn,

Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu.

Một cung gió thảm mưa sầu,

Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!

Ve ngâm vượn hót nào tày,

Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.

Hỏi rằng: Này khúc ở đâu?

Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay!

2575. Thưa rằng: Bạc mệnh khúc này,

Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ.

Cung cầm lựa những ngày xưa,

Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây!

Nghe càng đắm ngắm càng say,

2580. Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình!

Dạy rằng: Hương lửa ba sinh,

Dây loan xin nối cầm lành cho ai.

Thưa rằng: Chút phận lạc loài,

Trong mình nghĩ đã có người thác oan.

2585. Còn chi nữa cánh hoa tàn,

Tơ lòng đã dứt dây đàn Tiểu Lân.

Rộng thương còn mảnh hồng quần,

Hơi tàn được thấy gốc phần là may!

Hạ công chén đã quá say,

2590.Hồ công đến lúc rạng ngày nhớ ra

Nghĩ mình phương diện quốc gia,

Quan trên nhắm xuống người ta trông vào.

Phải tuồng trăng gió hay sao,

Sự này biết tính thế nào được đây?

2595. Công nha vừa buổi rạng ngày,

Quyết tình Hồ mới đoán ngay một bài.

Lệnh quan ai dám cãi lời,

ép tình mới gán cho người thổ quan.

Ông tơ thực nhẽ đa đoan!

2600.Xe tơ sao khéo vơ quàng vơ xiên?

Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền,

Lá màn rủ thấp ngọn đèn khêu cao.

 

Kiều Nhảy Xuống Sông Tiền Đường Tự Tử

 

Nàng càng ủ liễu phai đào,

Trăm phần nào có phần nào phần tươi?

2605. Đành thân cát lấp sóng vùi,

Cướp công cha mẹ thiệt đời thông minh

Chân trời mặt bể lênh đênh,

Nắm xương biết gởi tử sinh chốn nào,

Duyên đâu ai dứt tơ đào,

2610. Nợ đâu ai đã dắt vào tận tay!

Thân sao thân đến thế này?

Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi!

Đã không biết sống là vui,

Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương!

2615. Một mình cay đắng trăm đường,

Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi!

Mảnh trăng đã gác non đoài,

Một mình luống những đứng ngồi chưa xong.

Triều đâu nổi tiếng đùng đùng,

Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền đường.

Nhớ lời thần mộng rõ ràng,

Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây!

Đạm Tiên nàng nhé có hay!

Hẹn ta thì đợi dưới này rước ta.

2625. Dưới đèn sẵn bức tiên hoa,

Một thiên tuyệt bút gọi là để sau.

Cửa bồng vội mở rèm châu,

Trời cao sông rộng một màu bao la.

Rằng: Từ công hậu đãi ta,

Chút vì việc nước mà ra phụ lòng.

Giết chồng mà lại lấy chồng,

Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời?

Thôi thì một thác cho rồi,

Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông!

2635. Trông vời con nước mênh mông,

Đem mình gieo xuống giữa dòng Trường Giang.

Thổ quan theo vớt vội vàng,

Thời đà đắm ngọc chìm hương mất rồi!

Thương thay cũng một kiếp người,

2640. Hại thay mang lấy sắc tài làm chi

Những là oan khổ lưu ly,

Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!

Mười lăm năm bấy nhiêu lần,

Làm gương cho khách hồng quần thử soi!

2645. Đời người đến thế thì thôi,

Trong cơ âm cực dương hồi khốn hay.

Mấy người hiếu nghĩa xưa nay,

Trời làm chi đến lâu ngày càng thương!

 

Sư Tam Hợp Đạo Cô Báo Giác Duyên Cứu Kiều

 

Giác Duyên từ tiết giã màng,

Đeo bầu quảy níp rộng đường vân du.

Gặp bà Tam Hợp đạo cô,

Thong dong hỏi hết nhỏ to sự nàng:

Người sao hiếu nghĩa đủ đường,

Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi?

2655. Sư rằng: Phúc họa đạo trời,

Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.

Có trời mà cũng tại ta,

Tu là cõi phúc tình là dây oan.

Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,

Vô duyên là phận hồng nhan đã đành,

Lại mang lấy một chữ tình,

Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.

Vậy nên những chốn thong dong,

ở không yên ổn ngồi không vững vàng.

2665. Ma đưa lối quỷ đem đường,

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

Hết nạn ấy đến nạn kia,

Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần.

Trong vòng giáo dựng gươm trần,

2670. Kề răng hùm sói gởi thân tôi đòi.

Giữa dòng nước dẫy sóng dồi,

Trước hàm rồng cá gieo mồi thuỷ tinh.

Oan kia theo mãi với tình,

Một mình mình biết một mình mình hay.

2675. Làm cho sống đọa thác đầy,

Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!

Giác Duyên nghe nói rụng rời:

Một đời nàng nhé thương ôi còn gì!

Sư rằng: Song chẳng hề chi,

Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều

Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,

Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm,

Lấy tình thâm trả nghĩa thâm,

Bán mình đã động hiếu tâm đến trời!

2685. Hại một người cứu muôn người,

Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng.

Thửa công đức ấy ai bằng?

Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi!

Khi nên trời cũng chiều người,

2690. Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau.

Giác Duyên dù nhớ nghĩa nhau,

Tiền đường thả một bè lau rước người.

Trước sau cho vẹn một lời,

Duyên ta mà cũng phúc trời chi không!

 

Kiều Được Cứu, Đạm Tiên Báo Mộng

 

2695. Giác Duyên nghe nói mừng lòng,

Lân la tìm thú bên sông Tiền đường,

Đánh tranh chụm nóc thảo đường,

Một gian nước biếc mây vàng chia đôi.

Thuê năm ngư phủ hai người,

2700. Đóng thuyền chực bến kết chài giăng sông.

Một lòng chẳng quảng mấy công,

Khéo thay gặp gỡ cũng trong chuyển vần!

Kiều từ gieo xuống duềnh ngân,

Nước xuôi bỗng đã trôi dần tận nơi.

2705. Ngư ông kéo lưới vớt người,

Ngẫm lời Tam Hợp rõ mười chẳng ngoa!

Trên mui lướt mướt áo là,

Tuy dầm hơi nước chưa lòa bóng gương.

Giác Duyên nhận thật mặt nàng,

2710. Nàng còn thiêm thiếp giấc vàng chưa phai.

Mơ màng phách quế hồn mai,

Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa.

Rằng: Tôi đã có lòng chờ,

Mất công mười mấy năm thừa ở đây.

2715. Chị sao phận mỏng phúc dày,

Kiếp xưa đã vậy lòng này dễ ai!

Tâm thành đã thấu đến trời,

Bán mình là hiếu cứu người là nhân.

Một niềm vì nước vì dân,

2720.Âm công cất một đồng cân đã già!

Đoạn trường sổ rút tên ra,

Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau.

Còn nhiều hưởng thụ về lâu,

Duyên xưa tròn trặn phúc sau dồi dào!

2725. Nàng nghe ngơ ngẩn biết sao,

Trạc Tuyền! nghe tiếng gọi vào bên tai.

Giật mình thoắt tỉnh giấc mai,

Bâng khuâng nào đã biết ai mà nhìn.

Trong thuyền nào thấy Đạm Tiên,

Bên mình chỉ thấy Giác Duyên ngồi kề.

Thấy nhau mừng rỡ trăm bề,

Dọn thuyền mới rước nàng về thảo lư.

Một nhà chung chạ sớm trưa,

Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng.

2735. Bốn bề bát ngát mênh mông,

Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau.

Nạn xưa trút sạch lầu lầu,

Duyên xưa chưa dễ biết đâu chốn này

<h2>2- Chú từ và điển tích</h2>

-Câu 2494: Đống xương Vô định đã cao bằng đầu

 

Là xương của các chiến binh quân nhà Hán đánh nhau với quân Hung Nô. Năm nghìn quân lính của hai bên chết tại bờ sông Vô Định, một phụ lưu của sông Hồng Hà ở vùng Lũng-Tây thuộc tỉnh Thiểm Tây của Trung quốc. Thi sĩ Trần Đào đời nhà Đường có làm bài thơ tả cảnh chết thê thảm đó như sau:

Thệ tảo Hung Nô bất cố thân,

Ngũ thiên diêu cẩm táng Hồ trần.

Khả liên Vô Định hà biên cố,

Do thị thâm khuê mộng lý nhân

Giải nghĩa của Cụ Đàm Duy Toại:

Quyết thề quét sạch quân Hung Nô, không ngó thân mình,

Năm nghìn quân mặc áo gấm lót da điêu thử, chết ở bãi bụi cát đất Hồ.

Thật đáng thương những bộ xương phơi ở bên sông Vô Định,

Mà vẫn là những người vợ ở trong nơi buồng sâu mơ mộng mong về.

-Câu 2581: Dạy rằng: Hương lửa Ba Sinh

 

Ba Sinh: Ba kiếp sống luân hồi của con người theo thuyết nhà Phật là quá khứ, hiện tại và tương lai.

Sách Truyền Đăng lục chép: Có một người nằm mộng thấy mình đến một chân núi đá to. Ở đó; có một nhà sư đang ngồi và trước mặt nhà sư có một cây hương. Nhà sư bảo người nọ rằng: “Cây hương này chính là của ông kết nguyện đấy. Hương còn cháy mà ông đã trải qua bao đời rồi”.

Sách “Cam Trạch Dao” lại có câu chuyện như sau:

Lý Nguyên và Viên Trạch là người đời Đường. Một hôm hai người đi chơi núi Tam Giáp, gặp một người đàn bà gánh nước giếng. Viên Trạch chỉ người đàn bà ấy và nói với Lý Nguyên:

 

- Người đàn bà ấy là nơi thác thân của tôi. Mười hai năm sau, tôi sẽ gặp lại anh tại mé ngoài chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu.

Đêm hôm ấy Viên Trạch mất. Mười hai năm sau, Lý Nguyên nhớ lời nói của Viên Trạch thưở xưa nên đến ngay nơi hẹn ước của Viên. Đến nơi, Lý Nguyên trông thấy một đứa trẻ chăn trâu hát nghêu ngao rằng: "Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn, thử thân tuy dị tánh trường tồn”. (Hồn tinh anh cũ gởi đá ba sinh, thân này tuy khác nhưng tính tình vẫn như xưa).

Lý Nguyên biết ngay đứa trẻ chăn trâu ấy chính là Viên Trạch thác sinh. Duyên nợ ba sinh hay hương lửa ba sinh là ý nói duyên nợ vợ chồng do tiền định.

 

Câu 2586. Tiểu Lân:,

Nàng Tiểu Lân tên là Phùng Thục Phi tài sắc vẹn toàn, đàn giỏi hát hay, là ái phi của vua Trần Hậu Chủ, đời Nam Bắc triều. Hai nước Trần, Chu giao tranh. Trần thua. Chu Vũ Đế bắt được Tiểu Lân đem về, gả cho Đại vương Đạt. Đạt thương yêu lắm, nhưng biết Tiểu Lân vẫn một lòng thủy chung với Hậu Chủ, nên không nỡ ép duyên. Một hôm, Đạt muốn nghe Tiểu Lân đàn tỳ bà, nửa chừng đứt dây, nàng tiếp lời thơ:

Thiết thừa kim nhật sủng

Do ức tích thơì duyên

Dục tri tâm đoạn tuyệt

Ưng khán tất thượng huyền.

Thánh thượng có lòng thương

Nhưng tình cũ đong đầy

Thiếp tơ lòng đứt đoạn

Như dây đàn đứt ngang

Nghĩa là muốn biết tơ lòng dứt nát, nên xem cái dây trên đầu gối thì rõ. Câu này mượn ý câu thơ ấy.

Còn chi nữa, cánh hoa tàn

Tơ lòng đã dứt dây đàn Tiểu Lân

-Câu 2630: Sông Tiền Đường hay Tiền Đường giang, tên cổ là Chiết Giang, Khúc Giang hay Chi Giang, là dòng sông lớn nhất của tỉnh Chiết Giang, chảy ra Vịnh Hàng Châu. Đây là vùng đất phát nguyên của văn hóa Việt Trung Quốc. Sông Tiền Đường bắt nguồn từ vùng ranh giới giữa hai tỉnh An Huy và Giang Tây chảy qua Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang theo hướng Tây-Nam - Đông-Bắc.

Vì truyện Kiều bắt nguồn từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả người Tầu, nên chúng ta thấy Cụ Nguyễn Du đã lấy toàm bộ các điển tích và sự kiện liên quan tới lịch sử, địa lý và văn học của Trung quốc. Sông Tiền Đường là một ví dụ. Tại sao sông Tiền Đường lại được các văn nhân, thi sĩ người Tầu và người Việt dùng để tả cảnh, mang tâm sự hay thân phận các nhân vật vào các truyện? Để tìm hiểu con sông nổi danh này, mời quí độc giả theo dõi bài viết dưới đây:

 

Ngắm thủy triều sông Tiền Đường

 

Tiền Đường là dòng sông lớn nhất của tỉnh Triết Giang, chảy từ phía tây về đông, ra vịnh Hàng Châu, đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển nước giữa hai miền. Tiền Đường được bao quanh bởi những trung tâm kinh tế thương mại nhộn nhịp như Thượng Hải, Ninh Ba. Sự dâng tràn thuỷ triều khác thường của sông Tiền Đường là một hiện tượng thiên nhiên lạ lùng nổi tiếng toàn thế giới, do lực hấp dẫn giữa các ngôi sao và trái đất. Lực ly tâm gây ra bởi sự quay của trái đất và hình dạng nút thắt cổ chai khác thường của vịnh Hàng Châu làm cho thuỷ triều dễ tràn lên, nhưng lại rất khó rút. Hiện tượng thuỷ triều bay vút lên cao của sông Tiền Đường là một cảnh tượng cực kỳ ngoạn mục, mà chỉ có thuỷ triều sông Amazone mới sánh kịp. Hằng năm, hàng tỉ người trong nước và trên thế giới tập trung ở đó để chiêm ngưỡng hiện tượng tuyệt diệu này vào ngày 18-8 (âm lịch).

 

Khi thuỷ triều tràn lên, cột nước có thể cao đến 30 feet và tiếng ồn giống như sấm sét hoặc có hàng ngàn con ngựa đang chạy. Nhiều hoạt động cũng được tổ chức để tôn vinh Lễ hội Ngắm Thuỷ Triều hàng năm dựa theo truyền thống của địa phương. Theo lịch sử, việc xem thuỷ triều đã diễn ra hơn hai ngàn năm trước và trở nên phổ biến vào đời Đường. Thị trấn Yangong ở Hàn Giang, cách Hàng Châu khoảng 45 km là nơi thích hợp nhất để ngắm thuỷ triều sông Tiền Đường. Dòng thuỷ triều lướt qua có thể rất nguy hiểm nếu bạn không cẩn thận. Nên tốt nhất là phải nghe sự hướng dẫn của cảnh sát địa phương - những người có nhiệm vụ bảo đảm cho sự an toàn của du khách. Bắc qua dòng sông là cầu Tiền Đường - cây cầu đầu tiên mà Trung Quốc tự thiết kế và xây dựng, khởi công từ 4/1934 đến 9/1937 thì hoàn tất. Cầu sông Tiền Đường dài 1.453 mét. Đó cũng là kiểu cầu hai tầng đầu tiên ở Trung Quốc. Tầng trên là đường giao thông, tầng dưới là đường rầy xe lửa. Cầu được thiết kế bởi kỹ sư cầu đường nổi tiếng của Trung Quốc Mao Yisheng, người đã bất chấp lời của những người nước ngoài rằng, không thể nào xây dựng được cầu ở một vị trí như vậy, và là người đã có những đóng góp lớn lao cho ngành công nghiệp cầu đường Trung Quốc.

** Chính vì sông rộng, sóng lớn như vậy; nên chúng tôi mới ghi một câu hỏi cho vui trên hình:”Thúy Kiều nhẩy xuống sông rộng mênh mông, sóng cao chết người mà ngư ông kiếm được xác, nhưng không chết là chuyện lạ!”

 

Trong truyện Kiều, sông Tiền Đường xuất hiện trong báo mộng của Đạm Tiên, trong sự cứu vớt Kiều của Tam Hợp đạo cô và Giác Duyên, trong lời kể của một người ở đất Hàng Châu…Có tất cả sáu câu:

- Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau

- Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường

- Tiền Đường thả một bè lau cứu người

- Lân la tìm thú bên sông Tiền Đường

- Sông Tiền Đường đó ấy mồ hồng nhan

- Lâm Truy buổi trước, Tiền Đường buổi sau

--------------------------------

Tài liệu tham khảo:

(1) Từ biến cố trên, thành ngữ dân Việt có câu ví von hoặc rủa "Chết đứng như Từ HảI hoặc chết trồng!"

- vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BB%81n_%C4%90%C6%B0%E1%BB%9Dng

- dulich.tuoitre.vn/Index.aspx