Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

Xét về phương diện văn hóa và văn học thì dân tộc ta chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi học thuyết của Đức Khổng Tử. Cái trật tự xã hội được xây dựng trên quan điểm "Quân/Thần - Phụ/Tử - Phu/phụ" có nghĩa người dân phải tôn trọng đạo "Vua/bề tôi - Cha/con - Chồng/vợ". Ba bậc luôn có quyền hành là vua, cha và chồng. Cũng theo phong tục thì ngành trai trưởng có nhiệm vụ và được ưu tiên nối dòng dõi trong gia đình hoặc nối dõi vương quyền đối với Hoàng-tộc. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ, vua chúa có khi lại chỉ định con trai thứ nối ngôi, như vua Thiệu Trị (1841-1847) truyền ngôi cho hoàng-tử thứ hai là Hồng Nhậm tức vua Tự Đức (1847-1883) lên kế nghiệp.

Nói chung, theo phong tục cũ phái nam được ưu đãi hơn phái nữ qua câu: "Nhất nam viết hữu, Thập nữ viết vô". Nếu nói là nối dõi tông đường thì con cái sau này phải thuộc giòng máu chính thống. Đứa con được sinh ra phải là con từ một người mẹ chính chuyên để danh giá gia đình được bảo tồn. Chính vì vậy mà phái nam được ưu tiên chọn lựa phụ nữ còn trinh làm vợ. Ngược lại, các cô không ai đòi hỏi đàn ông phải còn trinh!

 

I)- Chữ trinh trong lịch sử văn hóa Việt Nam

 

-Chữ trinh trong thời đại Mẫu-hệ

Tục ngữ Việt Nam có câu "Phúc đức tại mẫu". Phải chăng câu này phát xuất từ truyền thuyết Lạc Long Quân lấy Âu Cơ? Sau đó cha mẹ chia cách, 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên vùng núi lập nghiệp, theo chế độ Mẫu-hệ và 50 con theo cha Lạc Long Quân xuống vùng biển lập nghiệp, theo chế độ Phụ-hệ? Như vậy có thời dân Việt đã coi trọng chế độ Mẫu-hệ. Người đàn bà có quyền đi "bắt chồng" và cái gia đạo là cái đạo đức, tập quán có ảnh hưởng lớn từ người mẹ. Ngày nay chúng ta cũng thấy còn một số bộ lạc của dân tộc thiểu số như người Chàm, người Gia-rai và Ê-đê v.v... vẫn theo chế độ Mẫu-hệ. Người phụ nữ tới tuổi lấy chồng thì phải có hàng trăm bó củi, vài con trâu, con bò v.v... để đi "bắt chồng".

 

Trong gia đình người Ê-Đê, chủ nhà là phụ-nữ, con cái mang họ mẹ, con trai không được hưởng thừa kế. Đàn ông ăn ở trong nhà vợ. Nếu vợ chết và bên nhà vợ không còn ai thay thế theo gia truyền thì người chồng phải trở về ở với chị em gái mình. Khi chết được đưa về chôn cất bên người thân của gia đình mẹ đẻ. Chỉ con gái được thừa kế tài sản. Người con gái út được thừa kế nhà tự để thờ cúng ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già.

Nếu người phụ nữ trong chế độ Mẫu-hệ có quyền như vậy thì đàn ông nào dám đưa ra điều kiện các nàng phải còn trinh?

 

II)- Chữ Trinh trong lịch sử người Tầu

 

-Nếu người con gái phải còn trinh trước khi lấy chồng thì ai đưa ra luật lệ này?

-Tại sao người ta không bắt buộc đàn ông phải còn trinh khi cưới vợ?

Theo tác giả Bình Nguyên Lộc trong quyển "Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam" (Sài Gòn, 1971, tr. 342-343) thì tới đời nhà Thương (1776-1122 trước Công-nguyên) vẫn còn theo mẫu hệ. Đời nhà Thương không có việc truyền ngôi cho con, mà truyền ngôi cho các em cùng mẹ. Mãi đến đời Nhà Tần (221-206 TCN), tàn tích mẫu hệ vẫn còn. Tần Thủy (Thỉ) Hoàng đã đàn áp thẳng tay bọn đi ở rể, quyết diệt cho hết di tích của chế độ mẫu hệ. Tất cả bọn đi ở rể đều bị bắt đầy ải tới những thuộc địa xa xôi mới chiếm, như Ngũ Lĩnh chẳng hạn. Người ta đã có bằng chứng đích xác rằng mãi đến cuối đời nhà Chu (1122-256 TCN), người Tàu mới theo chế độ Phụ-hệ. Chữ Tánh của Tàu viết với chữ Nữ và chữ Sinh. Ðó là dấu vết theo Họ mẹ, và văn tự thì có trước đời Chu. Những họ lớn của Tàu như Nghiêu, như , tổ nhà Chu, đều viết có chữ Nữ. Chữ ở mu rùa và xương thú đều cho biết rằng người Tàu thờ mẹ và bà ngoại, chớ không phải thờ cha và ông nội. Chuyện vua Nghiêu nhường ngôi cho rể là vua Thuấn cũng rất có ý nghĩa.

 

-Theo tác giả người Pháp Durkheim (1858-1917), cũng như học giả Linh-mục Kim Định, thì đặc tính tín ngưỡng Thần-nữ cũng xuất hiện theo chế độ Mẫu-hệ đầu tiên được thấy xuất hiện trong quan niệm của người Tầu. Mẹ vua Phục Hy (đời Tam Hoàng: 4480-4365 TCN) dẫm phải dấu chân to lớn rồi sinh ra ông. Mẹ Hoàng Đế (đời Ngũ Đế: 2700-2600 TCN) thấy điển vây quanh sao Bắc Đẩu rồi có thai. Mẹ vua Nghiêu hợp hôn với rồng đỏ rồi sinh ra ông; và Bà Giản Định, tổ mẫu Nhà Thương, nuốt trứng chim mà đẻ ra ông Khiết v.v...

-Nếu người phụ nữ trong chế độ Mẫu-hệ có quyền như vậy thì đàn ông nào dám đưa ra điều kiện các nàng phải còn trinh?

 

II)- Chữ Trinh trong phong tục Việt Nam

 

Ca dao đã mỉa mai người thanh niên kết hôn với người phụ nữ đã có một đời chồng, hoặc đã ly thân, ly dị. Ngày nay quan niệm này không còn hoàn toàn thích hợp nữa. Với phong trào tự do ly thân, ly dị và sống chung không hôn thú, thì chữ trinh đã không hẳn còn được đề cao như xưa. Hiện nay, khi cưới nhau, người theo đạo Hồi vẫn còn giữ phong tục con gái phải còn trinh.

"Trai tơ lấy phải nạ-dòng,

Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu.

Nạ-dòng vớ phải trai tơ,

Đêm nằm hớn hở như mơ được vàng!"

"Gái khôn tránh khỏi đò đưa,

Trai khôn tránh khỏi vợ thừa người ta!"

Cái giá trị cao đẹp của người phụ nữ xưa là phải còn trinh trước khi lấy chồng. Người con gái mất trinh vì ăn vụng tình hay vì một nguyên do nào đó, cũng bị người ta mỉa mai chê cười:

Không chồng mà chửa mới ngoan,

Có chồng mà chửa thì oan nỗi gì?

 

Có tài liệu ghi: "Có chồng mà chửa xưa nay lẽ thường" hoặc "Có chồng mà chửa thế gian thiếu gì".

Vì thế, chữ trinh luôn được đề cao đối với nữ giới về phương diện gia đình nói chung và về đạo đức cá nhân nói riêng. Nói đến Trinh-tiết, ca dao tục ngữ của dân tộc ta còn lưu lại cho đời sau những câu mà ngày nay tuổi trẻ không còn tôn trọng như câu: "Nam nữ thọ thọ bất thân"

Nam nữ thọ thọ bất thân nghĩa là con trai và con gái đưa và nhận vật gì thì bàn tay của họ không được đụng chạm vào nhau. Họ phải giữ khoảng cách tiếp xúc da thịt để tránh sự khêu gợi dục tình. Lý do cũng dễ hiểu vì người thanh niên hay thiếu nữ đã để ý nhau, thì khi được đụng vào tay hay da thịt họ sẽ cảm thấy sung sướng, có khi mất ăn mất ngủ, và cứ tưởng rằng đối tượng của mình đã thích hay yêu mình.

Một câu chuyện đề cao chữ Trinh

 

Ngũ Tử Tư tên là Viên, con của Ngũ Xa và là em của Ngũ Thượng, cùng với Tôn Vũ là những vị tướng giỏi của nước Ngô thời Xuân Thu, Chiến Quốc. Ông vốn là người nước Sở, nay là địa bàn tỉnh Hồ Bắc. Chuyện về Ngũ Tử Tư có nhiều truyền thuyết khác nhau như: Một đêm bạc đầu, Đào mả quất roi, Móc mắt treo nơi cửa thành...

Theo Đông Chu Liệt Quốc, Ngũ Viên có tên tự là Tử Tư người nước Sở, văn võ song toàn. Cha ông là Ngũ Xa, một người chính trực, làm quan nước Sở, nhưng bị kẻ xấu hãm hại, nên bị vua khép vào tội phản nghịch bắt giam để xử tội. Sở Bình Vương là vua nước Sở sợ hai con của Ngũ Xa sẽ làm phản nên ép Ngũ Xa viết thư dụ hai con về triều để vua phong chức. Nhận được thư của cha, Ngũ Thượng là anh tin cha theo về triều. Ngũ Viên biết trước sự lừa dối của vua Sở không theo, bỏ trốn đi. Trước khi đi ông còn nói với một viên quan Đại-phu nước Sở rằng: ”Nước Sở muốn còn giữ được cúng tế thì chớ giết cha và anh ta, bằng không thì tất ta phải diệt nước Sở mới hả lòng căm tức của ta!”

 

Vua Sở không bắt được Ngũ Viên tức giận giết cha và anh của Ngũ Viên, đồng thời đưa quân đi khắp nơi để bắt Ngũ Viên. Do bị truy lùng khắp nơi nên ông trốn đến cửa biên giới, định sang nước Ngô mà không qua được. Một đêm nằm suy nghĩ không ngủ được, ông đứng dậy đi đi lại lại trong nhà, nghĩ ngợi đến tận sáng hôm sau thì toàn bộ râu tóc biến thành trắng xóa. Sau đó ông được người giúp đỡ đưa qua cửa quan sang nước Ngô. Trong lúc phải lưu vong đói bụng Ngũ Viên đã phải xin ăn trên đường. Khi đến đất Phiên Dương ông thấy một thiếu nữ đang ngồi giặt lụa trên bến sông Lại Thủy. Bên cạnh nàng có mo cơm (cơm đựng trong bẹ lá cau). Đói quá, Ngũ Tử Tư bèn hỏi:

-Ta trên bước đường cùng nên mới xin ăn, xin nàng giúp cho!

 

Thiếu nữ ngước lên nhìn Tử Tư rồi nói:

-Thiếp trông ngài không phải là người thường, đâu dám vì chuyện nhỏ mọn mà không cho ăn?

Người con gái mở gói cơm đưa cho Ngũ Viên và Thắng (Thắng là đứa bé con của Thái tử Kiến). Thái-tử Kiến bị vua cha muốn giết, nên bỏ trốn tránh sang nước Trịnh, sau phản Trịnh bị giết. Ngũ Viên và Thắng cùng ăn. Ông biết thiếu nữ nghèo khổ, lại ở nơi vắng vẻ, nên không dám ăn hết, để lại cho nàng một phần.

Thiếu nữ nói:

-Hai người còn đi xa, hãy dùng hết đi.

Ngũ Viên và Thắng ăn hết cơm. Lúc sắp đi, ông nói:

-Tôi không bao giờ quên ơn nàng. Tôi là người chạy trốn. Nếu gặp người khác xin đừng tiết lộ.

Thiếu nữ than:

-Ba chục năm nay ta chưa hề tiếp chuyện với người đàn ông nào. Giờ vì miếng ăn thành ra thất tiết! Thôi, các ngươi đi đi!

Ngũ Viên đi được mấy bước, ngoảnh mặt thấy cô gái giặt lụa ấy đã ôm lấy cục đá nhảy xuống sông mà chết. Ông bi thương quá đỗi, cắn ngón tay chảy máu, lấy máu viết hai mươi chữ trên đá: “Nhĩ hoàn sa, ngã hành khất. Ngã phúc bảo, nhĩ thân nịch. Thập niên chi hậu, thiên kim báo đáp” (Nàng giặt lụa, ta ăn xin. Ta bụng no, nàng chết chìm. Hẹn mười năm nữa ngàn vàng báo đền). Ngũ Viên lấp đất hòn đá lại rồi dắt Thắng vào nước Ngô.

 

Lời bàn

Chắc quí độc giả cũng thắc mắc: "Tại sao nàng lại nhẩy xuống sông tự tử?"

Có quan niệm cho rằng, thiếu nữ chết là bởi Ngũ Viên dặn một câu: “Nếu gặp người khác xin đừng tiết lộ”. Có hai lý do: -một là nếu nàng tiết lộ cho người khác biết thì quân của triều đình sẽ đuổi theo ông mà giết ông ta và con của Thái-tử Kiến, -hai là nàng chết như vậy để chứng tỏ lòng trung tín của mình để Ngũ Viên an tâm. Ngũ Viên là người quan trọng, dĩ nhiên phải hiểu phong tục về nam nữ, mà còn nói: "nếu gặp người khác xin đừng tiết lộ" thì chính ông ta đã không tin tưởng nàng, hoặc coi thường nàng là con gái nhà quê thiếu hiểu biết thế nào là trung tín!

 

Có quan niệm khác cho rằng, dựa vào câu nàng nói: “Thiếp trông ngài không phải là người thường, đâu dám vì chuyện nhỏ mọn mà không cho ăn?” Khi tiếp xúc với một người “không phải người thường” như vậy, nàng biết rằng mình đã phạm một lỗi là không chỉ tiếp xúc với một người lạ nơi vắng vẻ, mà còn "cho quà" là cơm cho người đó. Hành động này theo nàng nghĩ nó có tính cách vụng trộm. Sự tiếp xúc và hành động của nàng chưa có phép của cha mẹ. Chính người nhận cơm từ tay nàng biết đâu cũng nghĩ là tại sao nàng lại cho cơm cho một người không quen biết? Nếu người khác biết được, thông báo cho cha mẹ hoặc vu khống với làng xóm là nàng dám đơn phương tư tình, tiếp chuyện với đàn ông, rồi lại cho cơm, thì danh dự về phương diện đạo đức "Nam nữ thọ thọ bất thân" của nàng cũng như gia đình sẽ bị tổn thương. Chính vì nghĩ như vậy mà nàng mới than: “Ba chục năm nay ta chưa hề tiếp chuyện với người đàn ông nào. Giờ vì miếng cơm thành ra thất tiết!

Khi đọc câu chuyện này, chắc quí độc giả cũng thấy rằng, chỉ nói chuyện và cho người lạ cơm ăn mà nàng cho là “thất tiết” thì đủ hiểu cái “tiết” của người xưa to lớn như thế nào. “Tiết” ở đây không chỉ là "Trinh tiết" theo nghĩa đen về thể xác; mà còn phải hiểu là tiết hạnh, sự trong trắng của tâm hồn. Cái phẩm giá tiết hạnh của người phụ nữ không hẳn chỉ được coi trọng nơi những nhà quyền quý, các bậc tiểu thư, công nương, những gia đình thế phiệt; nhưng cả trong giới bình dân.

 

Có người cho rằng, cái chết của thiếu nữ giặt lụa là “chết dại”. Dựa vào lịch sử thì Ngũ Tử Tư sau thành công, làm tới chức Tướng-quốc, vì có công lớn đối với nước Ngô. Nếu nàng không chết thì Ngũ Tử Tư sẽ tìm kiếm nàng để trả ơn và trọng đãi nàng như đã hứa. Hơn thế nữa, Ngũ Tử Tư có thể đón nàng về làm vợ hoặc thiếp thì thật là hạnh phúc biết bao.

Tuy nhiên, xét về phương diện phẩm hạnh của người xưa thì: “Danh tiết còn giá trị hơn thân xác”. Nó cũng đúng như câu tục ngữ của dân Việt: "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng". Vì thân xác hay vật chất có thể tan đi, nhưng danh tiết vẫn còn. Đây là hình ảnh cao quí và đáng là gương soi cho hậu thế. Chữ Trinh của người xưa vì thế không hẳn là còn trinh theo nghĩa xác thịt.

 

III)- Chữ Trinh trong truyện Kiều

 

Trong truyện Kiều thi hào Nguyễn Du đã đề cao chữ trinh trong một số câu thơ.

 

1)-Chữ Trinh theo quan niệm của Thuý Kiều:

Kim Trọng sau khi được nghe Kiều gẩy đàn và thấy nàng làm thơ quá hay thì không chỉ yêu chuộng tài năng mà còn say đắm nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của nàng. Trong lúc con tim rạo rực và tình yêu bốc cháy, Kim Trọng có hành động lả lơi dục tình, như thói thường của người con trai khi được ngồi gần người mình yêu: "Sóng tình dường đã xiêu xiêu, Xem trong âu yếm có chiều lả lơi".

Thấy chàng có hành động muốn chiếm hữu thân xác mình quá vội vàng, Kiều đã tỏ ra là người luôn tôn trọng luân thường đạo lý, bèn mắng khéo chàng. Nàng không phải là gái lẳng lơ; nàng muốn nói cho chàng biết khi nào làm vợ, nàng sẽ noi gương người xưa trở nên vợ hiền và lúc nào cũng chiều theo ý chồng. Khi chưa kết hợp thành vợ chồng thì đừng có làm hỏng cái trinh tiết của nàng. Nếu chỉ vì yêu xác thịt thì nàng có cầu mong lấy Kim Trọng làm gì!

"Thưa rằng đừng lấy làm chơi,

Dẽ cho thưa hết một lời đã nao.

Vẻ chi một đóa yêu đào,

Vườn hồng chỉ dám ngăn rào chim xanh.

Đã cho vào bậc Bố-kinh,

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.

Ra tuồng trên Bộc trong dâu,

Thì con người ấy ai cầu làm chi!"

(câu 499-508)

 

Chính vì giữ mình trong sạch để chờ ngày vu quy mà Kiều đã từ chối hiến dâng thân xác mình cho Kim Trọng khi hai người chưa thành hôn. Sau khi tình nguyện bán mình làm vợ Mã Giám Sinh để cứu cha, Kiều hối hận, vì đã không cho Kim Trọng được hưởng cái hạnh phúc thân thể của nàng: "Biết thân đến bước lạc loài, Nhị đào thà bẻ cho người tình chung!".

Xét về mặt sinh lý, sau 15 năm trôi dạt Kiều không muốn dâng cho Kim Trọng tấm thân đã bị bao người hưởng thụ, nhất là trong quãng đời lưu lạc giang hồ ở chốn lầu xanh, cũng như hai lần làm vợ Thúc Sinh và Từ Hải. Mặc dù bị sa vào chốn bùn nhơ; nhưng cuộc đời đó không do ý muốn của nàng. Mục đích của Kiều bán mình chuộc cha là để làm vợ Mã Giám Sinh; chứ không phải vì tiền bạc bán mình vào chốn lầu xanh. Nếu hiểu sâu xa và nhận xét một cách từ bi quảng đại, thì cái tiết-hạnh về lãnh vực tinh thần hay đạo lý của nàng đối với Kim Trọng không bị tổn thương.

Xét về mặt tình lý thì Kiều vẫn yêu Kim Trọng, và muốn trả nợ tình, nàng đã chấp nhận trở về sống chung trong đại gia đình. Với Kim Trọng, nàng chỉ muốn coi như tình bạn quí mến nhất đời, nếu có kết hợp lại thì chỉ là đôi vợ chồng "không chăn gối". Chính vì quan niệm tình yêu không phải chỉ dựa trên xác thịt mà nàng đã cảnh giác Kim Trọng, khi hai người mới gặp nhau và thề hứa sẽ lấy nhau: "Ra tuồng trên Bộc trong dâu, Thì con người ấy ai cầu làm chi!"

Trở về với gia đình và Kim Trọng đó là món quà tiết hạnh cao quý còn lại mà nàng muốn dâng hiến cho chàng để chu toàn cả hai: chữ Hiếu và chữ Tình.

 “Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng

Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương

Chữ trinh đáng giá nghìn vàng

Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa”

…Thiếp từ ngộ biến tới giờ,

Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.

…Còn chi là cái hồng nhan,

Đã xong thân thể còn toan nỗi nào.

Nghĩ mình chẳng hổ mình sao,

Dám đem trần cấu dự vào Bố-kinh!

(câu 3093-3104)

 

Khi biết mình không còn trinh trắng như thuở đầu mới yêu nhau, Thuý Kiều đã quyết chí tu hành và phản đối việc tái hôn thành cập vợ chồng chung chăn chung gối. Nếu Kim Trọng còn yêu nàng thì hãy coi nhau như tình bạn, chơi cờ, ngâm thơ và gẩy đàn cho nhau nghe như xưa cũng đủ rồi. Nếu chàng cứ nhất quyết đòi hỏi về tình dục thì chàng có khác gì những người đã qua đi trong đời nàng "Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi!"

"Từ rày khép cửa phòng thu,

Chẳng tu thì cũng như tu mới là.

Chàng dù nghĩ đến tình xa,

Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ".

và:

“Chữ trinh còn một chút này

Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan!

Còn nhiều ân ái chan chan

Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi”. (3107-3164)

Cái cao đẹp của Thúy Kiều là sự trinh trong của trái tim, của tình yêu mà nàng đã dành cho chàng ngay trong thời gian trốn cha mẹ, trèo qua tường sang nhà Kim Trọng và thề non hẹn biển với chàng. Xưa và nay người ta cũng thường nói, nếu chỉ chiếm được thân xác của người phụ nữ, mà tâm hồn hay con tim thì không, thử hỏi rằng tình nghĩa vợ chồng còn ra gì hay chỉ là yêu hờ lấy nhau cho có!

 

2)-Chữ Trinh theo quan niệm của Kim Trọng

 

Có thể nói Cụ Nguyễn Du đã bày tỏ quan niệm mới của mình về sự cao quý của chữ “trinh” ở Kiều nói riêng và phụ nữ nói chung. Trinh về phương diện sinh lý hay thể xác; và Trinh về tâm hồn hay tinh thần.

Chữ trinh về sinh lý quan trọng ở chỗ nó chứng tỏ người con gái chưa bị xâm phạm về thể xác tình dục. Hình ảnh các bé gái hay thiếu nữ còn trinh nguyên trong trắng, như các Thiên-thần, mà người ta thấy trong các bức tranh của họa sĩ, là hình ảnh đẹp ngây thơ và tự nhiên. Đôi khi người ta chỉ biết cảm nhận và không thể diễn tả như thế nào.

 Chữ trinh về tinh thần còn cao quý hơn ở chỗ con người luôn quí trọng và đề cao cái đẹp của đạo lý. Nếu so sánh cái đẹp trinh trắng của một thiếu nữ ngoài đời và cái đẹp trinh trắng của một nữ tu, có lẽ ai cũng cảm nhận cái đẹp trong trắng và "thánh-thiện" của nữ tu có vẻ cao quí hơn. Chiêm ngưỡng một thiếu nữ đẹp ngoài đời có thể người ta "động tình xác thịt". Nhưng chiêm ngưỡng một nữ tu đẹp thánh thiện có lẽ ít ai dám "nghĩ bậy". Sự so sánh này cho thấy yếu tố tinh thần, đạo đức vượt trên yếu tố sinh và vật lý.

 

Trong truyện Kiều chúng ta thấy Mã Giám Sinh, Thúc Sinh, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến và bọn làng chơi đã được hưởng cái thú thân thể của Kiều; nhưng chưa chinh phục được cái vành ngoài của chữ Trinh tâm hồn Kiều. Có nghĩa con tim của nàng không rung động trước họ và các cuộc chơi chỉ là nghề nghiệp mà nàng miễn cưỡng phải chấp nhận. Nếu không, nàng không trả nợ được cho cha mẹ và thoát được lầu xanh. Dù đã kết hôn với Thuý Vân, có con cái đề huề và công danh toại nguyện rồi mà Kim Trọng không thể quên được tình yêu ban đầu và lời ước nguyện kết hôn với Kiều: "Chưa chăn gối cũng vợ chồng". Cái cao đẹp của Kim Trọng và Kiều khi đoàn tụ là không dựa trên công danh, vật chất, tình dục mà chính là tình yêu.

Trở lại đoạn Kim và Kiều gặp lại sau 15 năm xa cách. Đôi bên đã kể nể nỗi lòng, vừa chua xót vừa thương tâm, không phải để oán trách rồi lại xa nhau. Mỗi người đều có lý do riêng và nếu theo sự xét đoán thường tình thì cả hai đều có cớ xa lánh nhau. Nhưng cái "khối tình" chung đã được gây dựng từ 15 năm trước và nó không thể tan được là tâm điểm của một mối tình thuỷ chung. (như chúng tôi đã chứng minh qua các điển tích về khối tình trong các bài trước).

Vì thế, đối với Kim Trọng thì Kiều là:

"Xưa nay trong đạo đàn bà,

Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường.

Có khi biến có khi thường,

Có quyền nào phải một đường chấp kinh.

Như nàng lấy hiếu làm trinh,

Bụi nào cho đục được mình ấy vay?"

Gương trong chẳng chút bụi trần,

Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm. (câu 3115-3122)

Như vậy, thi hào Nguyễn Du, qua vai trò Kim Trọng, đã làm cuộc cách mạng văn hóa và đem lại giá trị cho phụ nữ, không còn coi việc trai tơ lấy gái Nạ-dòng là xấu nữa; mà "Hoa tàn mà lại thêm tươi, Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa!"

 

IV)- Bán trinh

 

Trong xã hội xưa, khi bị mất trinh về lý do này hay lý do khác thì người phụ nữ bị đau khổ và mang nặng mặc cảm suốt đời. Tuy vậy, xưa và nay vẫn có những người phụ nữ tự bán trinh với nhiều lý do khác nhau. Các ông giầu tiền dư bạc và có chức quyền thì dù có vợ mà vẫn còn thèm gái trinh. Đã có những ông chịu trả hàng chục ngàn, trăm ngàn và cả triệu Đô-la để phá cái màn đi vào động tiên. Ngày nay vẫn có những nàng Kiều vui vẻ bán cái trinh tiết của mình để có tiền học cao hoặc để giúp gia đình.

-Ở Tân Tây Lan đã có 30.000 người vào mạng lưới điện tử Internet để coi nữ sinh viên 19 tuổi quảng cáo bán trinh với giá $32.000 Mỹ-kim để có tiền học đại học. Theo cô ta, có 1.200 người đã ngỏ ý mua và nàng đã dành cho người nào trả giá cao nhất!

-Năm 2004, một cô sinh viên đại-học Bristol đã bán trinh với giá £8.400 Bảng Anh (Sterling).

-Năm 2005, một thiếu nữ kiểu mẫu người Peru muốn bán trinh với giá $1,5 triệu Mỹ-kim để có tiền lo bảo vệ sức khoẻ cho cha mẹ. Có một ông người Canada đã hân hoan mua món hàng quí này.

 

-Năm 2008, Raffaella Fico, một thiếu nữ kiểu mẫu người Ý, 20 tuổi, quảng cáo bán trinh trên hệ thống mạng lưới điện tử Internet với giá €1 triệu Euro. Bà mẹ cũng nói là con tôi còn nguyên, chưa biết sự đời.

-Cũng năm 2008, để có tiền học đại học y khoa, Natalie Dylan, nữ sinh viên người Mỹ, 22 tuổi, ở San Diego, đã quảng cáo bán trinh với giá $3,7 triệu Mỹ-kim. Một ông ở Gia Nã Đại đã chịu chi $1,5 triệu Mỹ-kim để mua của quí.

-Ở Việt Nam cũng có những môi giới làm tiền bán các cô gái trinh làm vợ người Tầu hay Nam Hàn. Họ phải khỏa thân cho khách khám và chọn!

Một số sự kiện nêu trên cho thấy, ngày xưa "Chữ trinh đáng giá ngàn vàng"; ngày nay thì "Chữ trinh đáng giá triệu Đô" (US-Dollar)". Như vậy, chữ trinh thời nào cũng có giá trị của nó.

--------------------

Tài liệu tham khảo

- wjz.com/watercooler/Natalie.Dylan.selling.2.814381.html+%22Calif.+College+Grad+Sells+Virginity+For+Tuition%22.&cd=2&hl=da&ct=clnk&gl=dk

- www.telegraph.co.uk/news/worldnews/europe/italy/2971511/Italian-model-plans-to-sell-virginity-for-1m-euros.html

- www.dailymail.co.uk/news/article-1053953/Shock-jock-auction-girls-virginity-Howard-Stern-announces-controversial-stunt-yet.html

- www.ineed.co.nz