Dân Chúa Âu Châu

(Chứng tiểu tiện không tự chủ ở phái nữ)
(Incontinence urinaire de la femme)
Són đái, hoặc không nín tiểu được là một vấn đề rất tế nhị ít khi được đề cập tới, kín đáo hơn nữa khi bàn đến đối diện với một phái nữ. Thật vậy, ngay cả trong cùng giới, cũng chẳng mấy ai thổ lộ chuyện riêng tư của mình vì coi như tối kị (tabou). Không nói ra được thì bận tâm, mà nói ra chỉ sợ mang lấy hổ thẹn, nên tự gây ra mối mặc cảm, do dự, giằng co mãi cho tới khi bệnh đã nặng mới đi khám bác sĩ, thì mọi chuyện đã phần nào trễ muộn. Theo sự ước lượng mới đây tại nước pháp, thì có tới 25% trong giới nữ mắc phải. Cho ta thấy con số đáng quan tâm không ít.
Chứng són đái và chứng không nín tiểu được do rất nhiều nguyên nhân. Nhưng đây chúng ta chỉ giới hạn bàn đến trong vấn đề “Chứng tiểu tiện không tự chủ ở phái nữ” mà thôi.
Chứng đái dầm ban đêm trong giấc ngủ, tiểu tiện luôn trong ngày, và vẫn cứ vãi són, mà tình huống vẫn tỉnh táo, không tự chủ, hai chứng này không được thảo luận và bàn đến ở đây.
Theo cuộc thăm dò dư luận quần chúng thực hiện được, cho hay có tới 49% lớp tuổi từ 31 đến 50 bị mắc phải, và 51% ở lớp tuổi trên 50.
Nguyên nhân này được chia làm ba lứa tuổi khác nhau.
a) Thường là vào lớp tuổi trẻ với sự luyện tập thể dục cao cấp, gắng sức quá mức hoặc với những trận cười ngặt nghẽo (fou rire).
b) Kế đến, tuổi trung bình sau khi sanh đẻ. Trường hợp sanh đẻ khó, cần đến sự vận dụng kềm kéo kẹp v.v. khó tránh khỏi những chấn thương ở cửa mình, hay vùng lân cận chạm đến bàng quang, niệu đạo, hay cơ thắt (sphincter) v.v.
c) Và sau cùng, lớp tuổi sau khi mãn kinh nguyệt rất thường thấy. Tuổi càng cao bệnh tình lại phát lộ nhiều hơn (các y gia thời xưa gọi là tiểu tiện thất cấm).
COU NHỮNG TRIỆU CHƯUNG GI:
Són đái, và không nín được là lý do chính mà người bệnh đến thăm bác sĩ. Theo lời khai, đái són thường xẩy ra sau khi làm việc về mệt nhọc, chạy ngược, chạy xuôi trong ngày, đi đứng nhiều, lắm khi không kịp tới phòng vệ sinh thì đã văng tung tóe trong quần lót (miction impérieuse), tiểu vội vàng, tiểu vặt, vì theo họ, không thể nhịn hay nín được thêm giây phút nào vì là việc cấp thiết hơn cả. Công việc xốc vác hằng ngày, nếu không chăm chú dè dặt cũng bi són, đại tiện khó khăn sẽ làm gia tăng són đái, thậm chí khi cười, hoặc la hét con cái cũng bị vãi ra không hay. Xúc động bất thần, sợ hãi quá mức, khủng hoảng tinh thần cũng làm cho són. Vấn đề chăn gối, vợ chồng đi lại, nhiều lúc cũng làm cho són. Trước tình cảnh bực bội khó chịu nan giải đó họ không biết gì hơn là phải mang lót (couche, garniture) thường xuyên cho qua ngày.
NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY NÊN:
1) Chứng tiểu tiện không tự chủ, một trong những nguyên nhân do cơ lực thường xuyên cố gắng quá sức (incontinence d'effort), khiến cho hệ thống co giãn nâng đỡ niệu đạo (urètre) và cổ bàng quang (col vésical) suy kém dần và phối hợp với khả năng cơ thắt kém yếu (insuffisance sphinctérienne). Chứng này được thấy ở các trường hợp sanh đẻ khó, cơ lực quá sức căng giản thường xuyên, thời kỳ ho hen kéo dài, táo bón kinh niên, vận lực thể thao cao cấp.
2) Chứng tiểu tiện không tự chủ còn thấy qua trường hợp như mỗi lần cảm thấy buồn tiểu, thì không thể chần chờ được, không thể nín được một giây phút nào, mà phải đi tiểu ngay vì xem đó như một nhu cầu cấp bách (miction impérieuse). Lý do là vì sự hoạt động căng thẳng quá mạnh của bàng quang (hyperactivité de vessie).
3) Chứng tiểu tiện không tự chủ, cũng được thấy những lúc khí trời lạnh giá, ta gọi là bị “giác quan thất thường” (instabilité sensorielle)
4) Sợ hãi mà vãi đái, cũng được gọi là “xúc cảm thất thường” (instabilité émotionnelle), do Tâm khí bất túc không tác động đến Can Thận
5) Tiểu tiện phụ thuộc (miction conditionnée): nhìn thấy, hoặc nghĩ đến đã về đến trước cửa nhà, chưa kịp mở khóa là muốn tiểu tiện liền tức khắc, không thể nín giữ lại được.
Theo lý luận phương đông:
Tiểu tiện không tự chủ được là do mất sự khống chế (contrôle) trong tình huống ý thức tỉnh táo. Danh từ chuyên khoa gọi là “dị niệu” bao gồm hai chứng tiểu tiện không nín được và són đái. Dị niệu còn được gọi là “niệu sàng” thường gặp ở lớp tuổi người cao niên hoặc “tiểu tiện thất cấm”
Ta nên phân tích từng trường hợp vì có nhiều chứng hậu khác nhau:
- Do Thận khí hư hàn, do thận âm hư, thì không chế ước được thủy dịch, nên tiểu tiện không nín được
- Do Tỳ Phế khí hư,
- Do uất nhiệt ở Bàng quang, không co lại được là vì công năng của phế tỳ thận bị sút kém v.v...
Nhưng ở đây, là do thận khí hư hàn, mệnh môn hỏa suy, mất chức năng khí hóa, mất khả năng co thắt gây nên. Bàng quang khí hóa thất thường mà thành bệnh.
ĐIỀU TRỊ
A) Tây phương:
Tùy từng trường hợp mà áp dụng liệu pháp
* Tập luyện động ứng (techniques comportementales) rất cần thiết. Kết quả được lâu bền
* Liệu pháp vận động, tập luyện hội âm (kinésithérapie, rééducation périnéale) thường được áp dụng ngay từ sơ khởi điều trị.
* Anticholinergiques, theo các vị chuyên gia, dùng trong trường hợp do sự hoạt động quá mạnh của bàng quang
* Electrothérapie, cùng kế phải giải phẫu và chạy điện, khá phức tạp, đang trong thời kỳ thử nghiệm. v.v...
B) Đông phương
Châm cứu:
Âm lăng tuyền, Dương lăng tuyền, chủ về són đái, đái dầm
Khúc tuyền, Âm cốc, Phục lưu, làm ngưng năng tiểu tiện, và đái dầm.
Thận du, Bàng quang du, Khí hải, Trung cực, Tam tiêu du, được dùng ở đây, vì là thận khí bất túc, công năng khí hóa bị giảm yếu.
Quan nguyên, chủ về đàn bà tiểu tiện dắt, đi luôn không cầm.
Tam âm giao, để điều lý kinh khí tam âm
Và dùng vài ba huyệt an thần giúp cho người bệnh tìm được thoải mái và sự thanh tịnh thần trí. v.v...
Thuốc nam:
được trích từ các sách cổ như:
- “Bổ trung ích khí thang”: Hoàng kỳ (Radix Astragali), Bạch truật (Radix Atractylodis alba), Trần bì (Citrus deliciosa), Thăng ma (Rhizoma Cimicifugae), Sài hồ (Radix Bupleuri), Đảng sâm (Radix Codonopsis), Quy thân (Radix Angelica sinensis).
- “Quế chi gia long cốt mẫu lệ thang”: Quế chi (Ramulus Cinnamomi), Thược dược (Radix Paconiae albae), Cam thảo (Radix Glycyrrhizae),Sinh khương (Rhizoma Zingiberis recens), Đài táo (Fructus Zinziphi Sativae), long cốt (Fossilia ossis Mastodi), mẫu lệ (Concha ostreae). v.v...
KẾT LUẬN
Són đái và không nín tiểu tiện được, là hai chứng rất thường thấy ở phái nữ vào lớp tuổi tứ tuần trở lên, tuổi mà đường kinh nguyệt trong thời kỳ đang mãn dần. Tuổi càng đậm, chứng bệnh lại năng thấy, gia tăng theo niên lão.
Chứng bệnh khó nói ra, tế nhị, ngần ngại khi đề cập tới với một ai, hơn nữa, vốn là người nữ với một đức tính kín đáo, dè dặt, ngại ngùng, bên này phương đông cũng như bên kia phương tây, chẳng mấy ai muốn bộc lộ, ngay cả với trước bác sĩ. Nếu không muốn nói đó là tự cho một điều hổ thẹn và tối kị (tabou) mà ta muốn giấu kín mãi trong lòng. Thế rồi thời gian cứ trôi qua, bệnh dai dẳng theo tháng ngày, chỉ thêm tự chuốc lấy mặc cảm với chính mình, bịn rịn, khó chịu cả với những người chung quanh ta. Phải chi nếu ta can đảm, mạnh dạn thêm chút nữa để khai bệnh, trình bày với bác sĩ, hầu tránh được bao nhiêu bệnh chứng phức tạp khó chữa trị sau này, đó là điều đáng khuyến khích vậy. Càng sớm càng hay, chữa trị không gì gọi là khó khăn lắm. Ngày nay ta có đủ phương tiện và chọn lựa phương cách điều trị thích hợp cho mỗi cá nhân, không cứ hoàn toàn thuốc tây, cũng chẳng bó buộc thuốc ta, vì cả hai giải pháp đều mang lại không nhiều thì ít với kết quả phần nào mong đợi.