Dân Chúa Âu Châu

 

Đối với những cha mẹ có con nhỏ, những tháng lạnh đem đến những nỗi phiền toái cũng như lắm nỗi lo. Những bậc cha mẹ phải đem con đi gởi baby-sitter lúc sáng sớm trời còn rét căm căm rồi rước con về lúc trời đã tối; các cháu lại hay bệnh, cháu này lây qua cháu khác tạo nên một vòng lẩn quẩn tưởng không bao giờ dứt. Có những điểm mà chúng ta có thể để ý để bảo vệ sức khỏe các cháu trong những tháng mùa đông, cũng như có những điều chúng ta nên biết để săn sóc các cháu đúng mức lúc cháu bệnh.
Có những yếu tố làm cho các cháu hay bị nhiễm trùng trong những tháng mùa đông; ai cũng biết đây là những tháng của bệnh cúm, bệnh sưng họng, bệnh tiêu chảy, v...v... Mùa đông, chúng ta thường quanh quẩn trong nhà nên nói chung điều kiện ăn ở chật chội hơn những tháng khác, siêu vi trùng lây từ người này sang người khác chủ yếu là do sự đụng chạm (contact) trực tiếp hoặc gián tiếp chứ không phải do chuyền trong không khí như trước đây người ta vẫn tưởng. Cho nên nói chung nếu bạn đụng chạm trực tiếp như bắt tay, ôm hôn một người mang vi trùng cảm (cold virus) bạn dễ bị lây hơn nếu bạn chỉ ngồi nói chuyện đối diện với người đó. Trẻ em thường truyền bệnh cho nhau lúc chơi đùa với nhau, và lúc người lớn săn sóc cho đứa này đến đứa kia (như thay tã, rửa ráy sau khi đi cầu) mà không rửa tay cẩn thận. Cho nên về mùa đông nên để ý nhiều hơn đến những biện pháp vệ sinh như rửa tay, bỏ tã, khăn dơ vào những nơi thích hợp, chùi rửa phòng tắm cẩn thận.


CHỦNG NGỪA SƯNG MÀNG ÓC VÀ SƯNG PHỔI
Một số bệnh ở trẻ em như sưng màng óc (meningitis) hoặc sưng phổi do một vi trùng tên Hemophilus influenza gây nên. Vi trùng này tuy tên hơi giống virus bệnh cúm (influenza) là một loại vi trùng hoàn toàn khác biệt; khác với virus cúm, vi trùng Hemophilus Influenza (hay được bác sĩ gọi tắt là H. flu) có thể chữa được bằng thuốc trụ sinh một cách dễ dàng. Thường các cháu từ 6 tháng đến 6 tuổi dễ mắc vi trùng này, nhất là các cháu ở những nơi đông trẻ em như các nhà giữ trẻ. Thuốc chích ngừa bệnh này mới được áp dụng trong vòng mấy năm gần đây và ngừa được các trường hợp bệnh.


CÁC TRẺ BỊ SUYỄN
Trẻ bị suyễn thường dễ lên cơn suyễn (asthma attack) lúc chúng bị nhiễm virus (viral infection), hoặc lúc thay đổi nhiệt độ đột ngột như đi từ một phòng sưởi ấm ra ngoài trời lạnh. Mặt khác, mùa đông người lớn cũng như con nít quây quần nhiều trong nhà, những trẻ bị suyễn dễ bị nhiễm cảm cúm và một khi đã bị lây bệnh dễ bị trở nặng hơn các trẻ khác. Cho nên lúc những trẻ từng bị suyễn trở bệnh, chúng ta cần phải cẩn thận. Nếu cháu càng lúc càng ho nhiều, hoặc cháu bắt đầu “wheezing” (tiếng thở nghe “vi vút” như tiếng gió rít, thường cha mẹ bệnh nhân nói cháu “khò khè”), hoặc nếu cháu thở nhanh dồn dập, nhanh hơn bình thường, bạn nên liên lạc với bác sĩ của cháu để xem có cần cho cháu uống thuốc hoặc hít (inhale) thuốc suyễn hay không. Nếu cháu đang sống hay đang cần hít thuốc suyễn thường xuyên (những thuốc có chất theophylline như “Slo-bid”, hoặc Ventolin, hoặc các thuốc hít trị suyễn như Ventolin hoặc thuốc có chất corticoid như Vanceryl, Azmacort) bạn nên kiểm soát với bác sĩ có cần tăng liều lượng lên không, có cần xài thuốc hít (inhaler) dồn dập nhiều hơn không. Những thuốc này nếu dùng đúng cách, đúng liều lượng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ có thể làm giảm thiểu rất nhiều những cơn suyễn cấp tính (asthma attack) làm cha mẹ phải chầu chực thâu đêm suốt sáng ở phòng cấp cứu hoặc đôi khi phải nằm lại bệnh viện. Ngoài ra, trẻ con bị suyễn cần được chích ngừa cúm như sẽ bàn ở đoạn sau.


CÁC BỆNH CẢM THÔNG THƯỜNG
Bệnh cúm là một đe dọa khác trong những tháng lạnh, thường bắt đầu từ tháng 12. Tưởng nên nhắc lại ở đây là chúng ta cần phân biệt các chứng cảm cúm thông thường (common cold) và bệnh cúm (influenza). Bệnh cảm thông thường do một số siêu vi trùng ở mũi và họng gây ra và thường chỉ làm nóng, sổ mũi, ho sơ sơ vài hôm rồi khỏi không cần thuốc men gì đặc biệt.
Một điều phụ huynh nên nhớ là những “thuốc ho”, thuốc nóng thông thường như Pediacare, Tylenol, Triaminic, v...v... chỉ làm cho cháu bớt nóng, ngăn cản đừng cho chúng ho nhưng không làm thay đổi căn bệnh của chúng, nghĩa là con siêu vi trùng vẫn còn đó và phải đợi một thời gian nào đó thường là 5-7 ngày cơ thể của cháu bé mới đủ sức “thanh toán” nổi con siêu vi trùng. Nói như vậy có nghĩa bạn đừng sốt ruột quá, nếu bác sĩ khám thấy cháu không có triệu chứng gì nguy hiểm bạn nên chờ đợi kiên nhẫn và đừng vì quá sốt ruột cho cháu uống thuốc quá liều hoặc nghe những lời chỉ bảo của những người không chuyên môn sẽ có thể có hại. Tốt hơn hết là bạn trình bày cho bác sĩ biết những triệu chứng của em bé làm cho bạn lo lắng, và bác sĩ của bạn sẽ cùng theo dõi bệnh tình của em bé với bạn để đối phó nếu có điều gì bất trắc. Nên để ý cho cháu uống đủ nước, nếu cháu không ăn được những món ăn thông thường hàng ngày như cơm cháo, bánh trái cũng không nên quá sốt ruột vì có thể bộ tiêu hóa cháu còn mệt không tiêu hóa được như thường ngày. Nên để ý nhiệt độ trong nhà vào mùa đông, tránh đừng để quá nóng làm các cháu bé oi bức và làm nhiệt độ cơ thể tăng lên giả tạo làm cho bác sĩ tưởng lầm cháu sốt. Cũng nên tránh không nên để không khí quá khô làm cho cháu bé khó chịu, đường hô hấp (mũi họng) dễ khô, dễ chảy máu cam hoặc dễ ho. Người lớn nên tự giác đừng hút thuốc lá trong nhà làm cho bệnh các cháu nặng thêm, tránh đừng nấu nướng quá nhiều trong nhà.


BỆNH CÚM (FLU)
Bệnh cúm (influenza) do virus cúm gây ra, gây những triệu chứng nặng hơn nhất là ở trẻ em mang bệnh kinh niên như bệnh tim, bệnh suyễn, bệnh đái đường, trẻ thiếu tháng, v...v... Những trẻ này kháng cự yếu kém trước sự tấn công của siêu vi trùng cúm và được bác sĩ cho chích ngừa trước mùa đông. Cũng nên nhớ, chủng ngừa cúm chỉ ngừa được bệnh cúm “chính hiệu” chứ không ngừa được những bệnh cảm (cold) thông thường.
Bệnh cúm chỉ nguy hiểm đối với người già và một số người kém sức đề kháng như đã nói ở trên; tuy nhiên trong một số trường hợp cúm vì bệnh nhân được cho uống aspirin hoặc thuốc có chứa chất aspirin (một số thuốc nóng nhét đít của Pháp chứa aspirin và thuốc ngủ Phenobarbital) có thể một hai tuần sau trở nặng gây ói mửa, mê man do tổn thương nặng ở não và ở gan. Bệnh này gọi là Hội chứng Reye (Reye’s syndrome) là một nhóm triệu chứng được mô tả lần đầu năm 1963 và sau đó rất thường gặp ở Mỹ và nhiều nơi khác. Hầu hết các nghiên cứu đều chứng minh rằng bệnh này liên quan đến việc bệnh nhân dùng thuốc aspirin trong lúc bị cúm hoặc trái rạ (chicken-pox) và ở Mỹ các cơ quan y tế công cộng đã cố gắng phổ biến rộng rãi trong quần chúng mối hại của việc dùng aspirin cho bệnh cảm thông thường của trẻ em. Mặt khác, các nhà sản xuất aspirin cũng đang làm áp lực để chính phủ không được buộc họ ghi rõ lời cảnh cáo tác dụng độc ngay trên hộp thuốc aspirin (package labeling). Tuy nhiên phần lớn quần chúng Mỹ đã ý thức nguy cơ của hội chứng Reye; trong một cuộc thăm dò dư luận mới đây trên 50% phụ huynh biết không nên dùng aspirin lúc cháu bị cảm, và đáng ngạc nhiên hơn nữa hết 40% phụ huynh đã từng nghe nói đến hội chứng Reye. Nếu sau khi đọc bài này, bạn nhớ đến hội chứng Reye và aspirin thì cũng tạm đủ rồi. Thật vậy, không những người Việt chúng ta mà cả người châu Âu cũng không ý thức lắm về vấn đề này, và chỉ gần đây thôi chính phủ Anh quốc mới ra khuyến cáo: Cha mẹ không dùng aspirin cho những bệnh cảm cúm ở trẻ em.


NGỪA BỆNH CÚM
Có hai biện pháp ngăn ngừa bệnh cúm: Chủng ngừa và uống thuốc ngừa. Chủng ngừa là biện pháp an toàn hữu hiệu và kinh tế hơn cả. Thuốc chủng ngừa gồm những siêu vi (virus) đã được giết đi (inactivated), sau khi chích vào cơ thể do sự tiếp xúc với virus cơ thể sinh ra những chất kháng thể (antibodies) để chống lại bệnh cúm và giúp cho chúng ta tránh được bệnh dù có dịch xảy ra, hoặc nếu bệnh cũng chỉ nhẹ thôi. Nói chung thuốc chủng ngừa cúm hữu hiệu chừng 70% cho tới 80%.
Những trẻ thuộc các nhóm sau đây cần được chủng ngừa cúm:
Những trẻ trên 6 tháng bị bệnh kinh niên về hô hấp (như suyễn), bệnh đường tim mạch (như bệnh tim, bệnh đái đường).
Những trẻ phải uống aspirin lâu dài như những trẻ mắc chứng Kawasaki là một bệnh làm cho trẻ sốt kéo dài, lở miệng, đỏ mắt và có những hậu quả về tim mạch.
Đối với các trẻ em khác, có thể chủng ngừa cúm theo yêu cầu của cha mẹ (như sinh viên hoặc học sinh nội trú, học sinh tại các trường trẻ tàn tật, những nơi đông trẻ con dễ bị lây) cần phải bàn từng trường hợp một với bác sĩ của gia đình...
Nên để ý, những trẻ từng có phản ứng mạnh với trứng nói chung không nên dùng thuốc chủng ngừa bệnh cúm vì trong thuốc chủng có những vết protein của trứng lúc bào chế. Nếu bạn hoặc con bạn bị nổi mề đay, hoặc sưng môi, sưng lưỡi, hoặc khó thở, hoặc ngất xỉu sau khi ăn hột gà, phải tránh chích ngừa cúm và cho bác sĩ biết mình bị những triệu chứng vừa kể.
Nói chung thời gian tốt nhất để chích ngừa là tháng 10 cho năm nay. Mỗi năm phải chích lại một lần vì thuốc phần lớn chỉ hiệu nghiệm cho strain virus cúm năm đó. Lần đầu được chích, trẻ dưới 9 tuổi sẽ phải chích 2 lần trong năm đầu. Những người không chích ngừa kịp hoặc không thể chích ngừa có thể uống thuốc Amantadine để ngừa cúm loại A nếu dịch cúm xảy ra. Thuốc này ít dùng ở trẻ nhỏ.


BỆNH TIÊU CHẢY
Bệnh tiêu chảy cũng là một vấn đề khác làm điên đầu các bậc cha mẹ trong mùa đông. Theo thói quen ở Việt Nam, phản ứng đầu tiên lúc cháu tiêu chảy là yêu cầu bác sĩ cho thuốc để cháu “cầm ỉa”. Thật ra, phần lớn các bệnh tiêu chảy của con nít ở Mỹ đều do siêu vi trùng (virus) gây ra và nếu cha mẹ khéo săn sóc chúng, đừng để chúng bị thiếu nước quá độ, sau vài ngày chúng sẽ khỏi từ từ. Những thuốc làm ngưng đi cầu nếu dùng bừa bãi, dùng quá liều, sẽ có thể gây ngộ độc làm cho việc theo dõi rất khó khăn. Đương nhiên, cháu cần có bác sĩ canh chừng và hướng dẫn theo dõi, nhưng điều đáng nhấn mạnh ở đây là sự hướng dẫn cách săn sóc cách ăn uống của cháu quan trọng hơn rất nhiều lần những thuốc cầm đi cầu. Đừng ép cháu ăn nhiều, cho cháu uống nước đầy đủ, dùng những dung dịch như Pedialyte, Gatorade để giúp cháu bù vào lượng nước mất đi lúc tiêu chảy để cháu khỏi mất sức. Nếu cháu sốt cao, phân có máu, đàm, hoặc đau bụng nhiều cần đi khám bác sĩ gấp.


NGỪA TAI NẠN
Sau hết, mùa lạnh cũng là mùa của những lễ lạc liên miên. Những cháu nhỏ nếu phải thức khuya nhiều và ăn uống không điều độ có thể mệt mỏi cáu kỉnh và dễ bệnh. Những cô cậu mới lớn cần được nhắc nhở về những biện pháp an toàn lúc lái xe cũng như lúc vui chơi, lái xe cẩu thả lúc thời tiết xấu, uống rượu trong lúc lái xe và tình dục bừa bãi có thể đưa đến những tai nạn thê thảm.