Dân Chúa Âu Châu

(migraine cataméniale hay là migraine menstruelle)
Một chứng bệnh đã làm không những cho các y gia mà chung cho các vị chuyên khoa cũng đều bị rối óc, lúng túng, bực chí vì chưa đạt được kết quả mong muốn, đó là chứng đau nửa đầu trong khi có kinh nguyệt. Chứng này thường được thấy ở giới nữ tuổi đương xuân-kì hoặc trong thời kì bộ máy sinh dục còn hoạt động. Hằng hà thuốc men, dược phẩm đủ loại bày bán trong các dược phòng nhưng chẳng mấy khi hữu hiệu. Theo sự thăm dò quần chúng thì tỉ lệ phụ nữ mắc phải, suýt soát hai triệu người ở Pháp.
Tâm trạng bất ổn của người bệnh với nỗi lo sợ cơn đau nhức cứ mỗi chu kỳ kinh nguyệt đến, đã ảnh hưởng ít nhiều xáo trộn cho cuộc sống nếu không muốn nói là một cực hình mà không may mắc phải.
Triệu chứng này với vài đặc điểm như tình chí bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi chẳng yên, khiến họ phải đi khám bác sĩ: đau váng một nửa bên đầu, khi bên trái, lúc bên phải, thay đổi tùy theo lúc, đau như búa bổ, đau khủng khiếp như lời miêu tả của họ, đau đến độ ói mửa mật xanh mật vàng, trốn tránh tiếng động ồn ào, hai tay che úp vào tai để được yên tĩnh, ngay cả ánh sáng cũng hãi sợ, chạy tìm trú ẩn nơi bóng tối, như thể đi tìm một thế giới riêng biệt không tiếng người nói bên trong, không tiếng xe cộ bên ngoài, không chút ánh sáng mà tối tăm yên lặng là thiên đàng của họ.
Một điều may, là triệu chứng đau chỉ đến theo định kỳ kinh nguyệt, và tùy theo bản tính của từng cá nhân, theo đó chứng đau nửa đầu chỉ tới trước khi kinh nguyệt 3 hay 5 ngày, hoặc trong khi, hay sau khi kinh nguyệt đã dứt.
Ta cũng nên phân biệt "Chứng đau nửa bên đầu" còn được gọi theo các chuyên gia là "Thiên đầu thống" (migraine) với chứng đau đầu lan tỏa cả não là "Chân đầu thống" (céphalées) Giữa hai chứng này khác nhau xa, để chúng ta dễ bề chẩn bệnh và cách chữa bệnh cũng không giống nhau chút nào.
Hỏi: nguyên nhân tại sao?
Đáp: Theo giải thuyết sinh lý học tây phương, thì tỉ suất kích thích tố estradiol xuống quá thấp và quá nhanh trong lúc kinh nguyệt. Hoặc ảnh hưởng của oestrogènes trên các đường dây quan hệ kế cận thường có, đã bị xáo trộn nhiều v.v.
Theo giải thích phương đông, được dựa trên hai đường kỳ kinh (Méridiens curieux) Nhâm mạch và Xung mạch, cả hai đã đóng một vai trò tích cực tối ư quan trọng ở giới nữ. Vài nét đại cương sẽ giúp ta được am hiểu hơn: Nhâm mạch, là kỳ kinh có trọng trách bảo vệ trong việc thụ thai (fécondation), Xung mạch thì giữ một vai trò về nuôi dưỡng thai (activité progestéronique). Như vậy cho ta thấy rằng trường hợp sẩy thai (avortement), hay rong huyết, băng huyết (ménorragies, métrorragies) là vì Xung mạch bất túc (insuffisance) yếu kém. Trên phương diện điều hành tuyến nội tiết (rôle endocrinien) ở bộ phận sinh dục giới nữ thì quả là kỳ kinh Xung mạch được kể lên hàng đầu. Ta không thể đề cập đến hệ thống sinh dục ngoài và trong của giới nữ mà không nói đến hai kỳ kinh Xung mạch, Nhâm mạch và Đan điền (Đan điền là đường chính giữa của bụng dưới rốn 3 thốn, là vị trí huyệt Quan nguyên của mạch Nhâm, nơi tinh thất của nam giới, và bào cung của nữ giới), thì thật là một việc thiếu sót lớn đáng tiếc.
Hỏi: tại sao bị nôn mửa, ngoài cơn nhức đầu khủng khiếp?
Đáp: Hai kỳ kinh Nhâm mạch và Xung mạch không những hội tụ ở vùng Đan điền, mà còn gặp nhau ở vùng cổ qua huyệt Liêm tuyền. Lý do đó, mỗi lần có kinh nguyệt, Xung mạch bị chuyển động mạnh dội truyền tới họng hầu mà làm cho nôn mửa.
Hỏi: tại sao làm cho mắt hoa, sợ ánh sáng phải tìm chỗ tối tăm?
Đáp: Kỳ kinh Nhâm mạch, cũng chạy từ huyệt Hội âm lên đến môi miệng, cho tới huyệt Thừa khấp Vị kinh, sau đó đi thẳng vào con ngươi. Cứ như thế, mỗi lần có kinh nguyệt, Nhâm mạch lại bị chuyển động mạnh lên đến con ngươi, nên làm cho mắt mờ, mắt hoa, sợ ánh sáng v.v.
Còn nhiều dấu hiệu lâm sàng (signes cliniques) khác nữa với nhiều thay đổi tùy từng cá nhân.

CHẨN BỆNH:
- Đau nửa bên đầu, đau dữ dội,
- kèm theo là nôn mửa, nhưng không nhất định, lợm giọng, mệt mỏi
- mắt rít, sợ ánh sáng, tìm chỗ tối,
- tai ù, lánh xa nơi ồn ào, tiếng động, tìm chỗ yên lặng, thanh vắng không tiếng người nói, không tiếng động xe cộ bên ngoài.
- tâm phiền dễ cáu giận,
- giấc ngủ không yên, có lúc đau sườn,
- miệng khô, mặt đỏ,
- lưỡi hồng ít rêu,
- mạch huyền, hoặc tế sắc
- Mỗi cơn đau kéo dài từ 4, 5 tiếng đồng hồ cho tới hai ba ngày
- trước khi hay trong khi hoặc sau khi có kinh nguyệt
- Nên nhớ là trong thời kỳ thai nghén, triệu chứng nhức nửa bên đầu biến hẳn, đủ chứng tỏ vai trò ý nghĩa của hai kỳ kinh nói trên.
Chứng trạng vừa kể cũng tương tự với một vài tiêu chuẩn của hội International Headache Society (IHS) trên phương diện chẩn bệnh.

CHỮA TRỊ:
Theo tây phương
- Các loại paracétamol để hạ bớt cơn đau
- Phối hợp với codéine, hay caféine, nên cẩn thận vì dùng lâu sẽ bị quen thuốc (nghiền thuốc, accoutumance) dùng các loại thuốc này với sự hướng dẫn của vị Y Sĩ.
- Các loại thuốc chống viêm mà không có chất xteroit "AINS" (anti-inflammatoire non stéroidien), cũng thường cho kết quả nhưng dùng phải dè dặt vì những hậu chứng của thuốc gây nên (effets secondaires).
- Các loại như DHE (Dihydroergotamine) phải được kê toa của Bác Sĩ vì có những trường hợp phản chỉ định (contre-indication)
- Các loại thuốc đặc biệt như: triptans thường được dành cho những trường hợp nặng và các loại đau đầu ngoan cố. Nên rất cẩn thận vì có nhiều phản chỉ định như Xuất huyết não, Áp huyết cao, chứng huyết khối động mạch vành v.v.
Tóm lại các loại thuốc kể trên phải có toa Bác-Sĩ mới được dùng vì lý do độc dược nguy hại cho sức khỏe.
Theo Đông phương:
Nắm được nguyên nhân của bệnh lý là hai kỳ kinh Nhâm mạch và Xung mạch, và cũng theo kinh nghiệm tiền nhân, ta có thể dùng một vài huyệt dưới đây:
Huyệt Trung cực: dùng trong trường hợp kinh nguyệt không đều, và thống kinh (algoménorrhée)
Huyệt Quan nguyên: cũng trong chiều hướng đó
Kinh trung: Kỳ huyệt ở bụng dưới
Tử cung: kỳ huyệt ở dưới rốn 4 thốn đo ra ngang 3 thốn.
Phối hợp: Tam âm giao, Túc tam lý và Hợp cốc
Kèm theo: Phong trì, Thiên trụ, Bách hội và kỳ huyệt Thái dương
Liệu trình: mỗi ngày châm một lần, châm 3- 5 ngày trong khi cơn đau
Ngoài cơn đau: mỗi chu kỳ kinh nguyệt châm ngừa 3-5 ngày trước khi có kinh
Cứ như thế, châm độ chừng 4, 5 kỳ kinh nguyệt liên tiếp.
Theo kinh nghiệm bản thân, ta sẽ nhận thấy kết quả mang lại với nhiều lạc quan.
Cũng như được nêu trên, kết quả mong muốn sẽ phải nhờ cậy vào các vị y-sĩ có kinh nghiệm.
KẾT LUẬN
Phải chăng tạo hóa đã làm ngơ trước những bất công? Số phận thật lắm éo le cho người phụ nữ. Là một chứng bệnh khá ngoan cố, mắc chứng này từ lâu năm thường được thấy trong giới nữ từ tuổi xuân-kì, rồi lạt phai dần vào khoảng 38-40, cho đến khi mãn kinh. Chứng bệnh này ta gọi theo danh từ chuyên gia là "Thiên đầu thống" (migraine) có nghĩa là đau nửa bên đầu khi có kinh nguyệt (migraines menstruelles). Vì là chứng mãn tính, nên khó tránh khỏi những dư âm xáo trộn của nó trong cuộc sống hằng ngày trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Số người mắc phải không hoàn toàn là tất cả nói chung, mà tỉ lệ tùy nhiều yếu tố như gia truyền, bẩm sinh, hoàn cảnh xã hội, tập quán, phong tục văn hóa, thói quen ăn uống v.v. đều có thể sanh ra chứng bệnh này.
Cách chẩn bệnh không mấy khó khăn, thường là trong thời kì kinh nguyệt thì cơn đau dữ dội nửa bên đầu mới xuất hiện kèm theo choáng váng, nôn mữa, mắt rít sợ ánh sáng, tai ù, lánh xa tiếng động, ngủ không yên, thường cáu giận.
Về cách chữa trị, tùy theo ý muốn cá nhân, với dược phẩm tây-y thường làm hạ cơn đau khá nhanh chóng, nhưng nhất thời và dùng thuốc nên rất dè dặt vì những hậu chứng của nó, và cần sự chỉ dẫn tường tận của vị y-sĩ. Với lối chữa theo đông-y kết quả thường được lâu bền, nhưng cần kiên nhẫn, vì là chứng mãn tính, chữa trị một ngày, làm sao để trị tiệt nọc được căn bệnh? Tóm lại cả hai phương cách chữa trị đông tây đều hỗ trợ cho nhau. Được như vậy, người bệnh mới tìm lại được niềm tin vững bền, cuộc sống sẽ được đầy ý nghĩa và khoan khoái nhiều hơn.