Dân Chúa Âu Châu

Bác Sĩ Nha Khoa Anne-Marie Hòa Nguyễn chuyên trị bệnh nướu răng và đặt implant (Periodontology & Implantology). Cô ra trường nha khoa Baylor College of Dentistry năm 1990 và có bằng Master of Science về phân khoa nướu răng tại University of Texas -San Antonio năm 1996. Cô có bằng Board Certified bởi Hội American Board of Periodontology. Hiện BSNK Hòa Nguyễn đang làm việc tại văn phòng ở vùng Tây Nam (Southwest) Houston. Nếu có những thắc mắc liên quan tới nha khoa, xin liên lạc hoặc gửi thư về địa chỉ văn phòng 6666 Harwin Drive, Suite 650, Houston, TX 77036. ĐT: 713.917.0907. Copyright ã2006 Anne-Marie H Nguyen, DDS, MS

Trong những số báo trước, chúng tôi đã bàn về những phương cách thay thế cho một hay nhiều răng thật bị mất đi bằng bộ răng giả tháo rời hoặc bằng chiếc cầu răng. Lần này, chúng tôi xin trình bày về kỹ thuật khác bằng cách trồng trụ implant vào xương hàm. Kỹ thuật implant thật ra đã có từ thập niên 60 nhưng không thịnh hành mấy. Khoảng 10 năm gần đây, dental implant mới phát triển rộng rãi nhờ các tiến bộ về kỹ thuật và vật liệu xử dụng. Trong năm 2005, riêng tại Hoa Kỳ đã có hơn 1 triệu cây implant đặt trong miệng để thay thế những chiếc răng bị mất!
Dental Implant là gì?
Dental implant là phương pháp cấy trụ răng nhân tạo thẳng vào những khoảng trống trong xương hàm để thay thế những chân răng đã bị mất. Đa số các loại implant hiện nay được làm bằng chất titanium, không gây ra phản ứng phụ hoặc làm độc tới xương hàm và cơ thể. Sau khi bị mất một hoặc nhiều chiếc răng mà chưa kịp thay thế bằng bộ răng giả, thì những ổ xương hàm theo thời gian sẽ bị sụp và teo lại theo chiều sâu (depth) và chiều dày (width) của xương. Bệnh nhân sẽ thấy ổ xương bị hõm vào khi lấy ngón tay sờ vào mặt xương tại những chỗ mất răng. Khuôn mặt có thể bị thay đổi nhanh chóng làm già hẳn đi trước tuổi. Giống như những chân răng thật bám chặt vào xương hàm, chiếc răng implant sẽ duy trì ổ xương này bằng cách liên tục tác động mỗi ngày trong việc nhai cắn. [Hình 1A & B]
Hình 1A. Implant thay răng cửa
Hình 1B. Implant thay răng hàm
Những trường hợp nào cần tới dental implant?
Phương pháp này có thể đáp ứng được nhu cầu riêng của từng người bệnh, để thay thế một răng, nhiều răng hoặc toàn hàm. [Biểu đồ 1]
Nếu chúng ta chỉ bị mất một răng thôi mà hai chiếc răng đứng bên cạnh không có những vết trám hoặc không bị sâu hoặc sứt mẻ, thì việc xử dụng implant để thay thế cho một răng sẽ tốt hơn là làm chiếc cầu răng. Với dental implant, mặt răng hai bên sẽ không bị mài hoặc xén đi. Dr. Carl Misch, một giáo sư nổi tiếng trong ngành implant, nhận xét là sau khi những chiếc răng được gắn chặt với nhau bởi cầu răng, thì bựa răng đóng nhiều hơn, tỉ lệ sâu răng cao hơn, và có thể cần tới việc rút tủy răng. Dr. Misch giải thích thêm rằng 30% số cầu răng sẽ phải làm lại trong vòng 10 năm, và 50% số cầu răng sẽ phải thay thế trong vòng 15 năm. Thêm nữa, nhiều học giả cho thấy trồng 1 răng implant sẽ bền hơn, so với chiếc cầu răng 3 nhịp. Người ta tiên đoán đa số cầu răng sẽ bị hư trong 5-6 năm so với 10-15 năm cho implant. Bởi thế, implant được coi là tiêu chuẩn chính (standard of care) trong việc tái tạo răng sau khi bị mất. [Hình 2]

Implant có thể dùng làm trụ cho chiếc cầu răng, giúp cho bệnh nhân đỡ phải đeo bộ răng giả tháo rời. [Hình 3]
Trong trường hợp bệnh nhân bị mất hết răng và phải cần làm bộ răng giả toàn hàm thì phương pháp implant có thể ứng dụng để tạo thêm phần vững chắc cho bộ răng giả, tùy theo ý thích của người bệnh khi muốn đeo bộ răng giả tháo rời hay muốn cố định [Hình 4-A và Hình 4-B].
Phương pháp này gồm hai phần, một phần có những trụ implant (2 tới 6 trụ) được gắn chặt vào xương hàm và phần kia là những mấu nhỏ hoặc những lỗ khoan nhỏ đặt bên trong bộ răng giả đối diện với các trụ móc để khi đeo bộ răng giả vào thì hai phần sẽ ăn khớp với nhau. Bộ răng giả lúc đó sẽ được giữ chặt lại trên những trụ implant. Bệnh nhân sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin và an tâm hơn với bộ răng giả của mình khi ăn uống hoặc nói chuyện mà không sợ nó rớt ra hoặc bị cập kênh trong miệng. Những cuộc nghiên cứu đã cho ta thấy là người có hàm răng giả, dù chỉ được cấy có hai trụ răng implant thôi, cũng cảm thấy khoan khoái hơn khi ăn uống hoặc nói chuyện. Dr. Carl Misch cũng cho biết rằng những người đeo bộ răng giả thông thường chỉ cắn được với cường độ 5-50 pounds (< 22 kg), trong khi những người có răng thật cắn với cường độ 250-1000 pounds (< 455 kg). Do đó những chiếc răng implant có thể giúp những bệnh nhân mất răng có lại những tác động nhai cắn như người bình thường.
Theo những cuộc khảo cứu về sinh hoạt thường nhật, những người không răng cần dùng nhiều thuốc men hơn (17%) so với những người còn răng, nhất là các thuốc giúp cho cơ quan tuần hoàn và tiêu hóa. Thêm vào nữa, những người được cấy răng cho biết họ ăn uống ngon miệng hơn, có sức khoẻ tốt hơn và có đời sống vui tươi hơn so với những người chỉ có bộ răng giả nằm trên vòm nướu mà thôi.
Những điều kiện cần thiết trong việc trồng răng implant?
Dĩ nhiên, bệnh nhân lý tưởng nhất cho việc trồng răng implant phải là người có sức khỏe lành mạnh, không bệnh hoạn, không hút thuốc, không nghiện rượu và có một bộ xương hàm sâu và rộng. Quan trọng hơn nữa là bệnh nhân phải biết cách giữ gìn kỹ lưỡng, chăm sóc răng của mình mỗi ngày. Việc gắn implant sẽ khó thành công nếu bệnh nhân bị bệnh nướu răng toàn miệng khiến cho vi trùng có thể xâm nhập vào những trụ implant. Người có bệnh tiểu đường cũng bị ảnh hưởng vì việc hồi phục vết thương chậm lại hoặc không hồi phục hoàn toàn. Đặt răng implant trên những người nghiện thuốc lá hoặc nghiện rượu cũng khó thành công vì sự lưu thông của máu bị giảm thiểu hoặc bị nghẽn dễ đưa tới sự thất bại hoặc nhiễm trùng. Những người có tật nghiến răng cũng phải được xem xét kỹ lưỡng vì thông thường họ có sức cắn gấp 4, 5 lần (1600 pound/square in, psi) so với người bình thường (400 psi). Với sức cắn này thì chẳng có loại răng giả nào có thể chịu nổi áp xuất cao đó và sẽ đưa tới tình trạng bể răng hoặc implant bị rớt ra. Cuối cùng, tuổi tác không còn được coi là vấn đề quan trọng khi nói tới sự tồn tại lâu bền của chiếc răng implant. Tuy vậy, Hội Đồng Nha Khoa khuyến cáo giới nha sĩ là nên đặt implant sau lứa tuổi 15 (phái nữ) và tuổi 18 (phái nam), vì phải chờ đợi và thích ứng với việc phát triển của bộ xương hàm vào lứa tuổi vị thành niên.
Giai đoạn giải phẫu đặt Implant
Cuộc giải phẫu trồng implant vào xương hàm có thể thực hiện tại phòng mạch nha khoa. Tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người, nha sĩ có thể cho bệnh nhân uống thuốc an thần (Valium, Halcion) để cảm thấy thoải mái yên tâm trong khi giải phẫu. Đồng thời cũng trợ thêm thuốc tê (local anesthesia) vào những chỗ cần đặt implant. Phẫu thuật đặt dental implant vào xương hàm sẽ tùy theo loại implant do nha sĩ lựa chọn. Hiện nay, implant được chia ra làm 2 loại:
1) One-stage implant: chỉ cần mổ 1 lần để cấy trụ implant vào xương hàm. Sau khi mổ, ta có thể thấy ngay đầu ống của trụ implant. Loại này có những ưu điểm và khuyết điểm của nó nên bệnh nhân phải hỏi kỹ lưỡng trước khi lựa chọn phần này.
2) Two-stage implant: Phần đông các bác sĩ chọn loại này vì thời gian phải chờ đợi 4 - 6 tháng để cho xương ‘liên kết’ [osseointegration] với trụ implant. Nhờ sự liên kết xương này mà các implant làm bằng chất titanium được giữ chặt trong xương giống như những chân răng thật bám chặt vào ổ xương hàm.
Phần giải phẫu có hai giai đoạn:
Giai đoạn I: thời gian mổ xẻ kéo dài khoảng độ 1 tới 2 tiếng, tùy theo trường hợp dễ hay khó hoặc tổng số implant cần phải trồng vào xương hàm. Trong phần này, nha sĩ sẽ mổ màng nướu răng ra để đặt trụ implant vào xương hàm. Có những mũi khoan đặc biệt để chuẩn bị kích thước chiều sâu và chiều rộng của từng trụ implant, tùy theo loại răng nào đã bị mất. Thí dụ, khi bị mất chiếc răng cửa thì nha sĩ có thể đặt loại implant nhỏ đi theo với bề dày của ổ xương (2.8 - 3.1 mm). Để thay thế cho một chiếc răng hàm bị mất, thì đường kính của trụ răng implant có thể rộng hơn (4.5 - 6.0 mm). Nếu đặt trụ implant quá lớn thì có thể làm tổn hại những chiếc răng đứng bên cạnh, bể ổ xương, hoặc chân implant bị lộ ra quá nhiều và có thể sẽ đưa đến sự thất bại. Chiều dài của trụ implant sẽ được giới hạn bởi vị trí của đường dây thần kinh, xoang mũi (sinus), sống mũi, v.v... Sau khi hoàn tất, implant được chôn kín trong xương và nướu răng được khâu vào trở lại bình thường [Hình 5].
Trong 1, 2 ngày đầu sau khi mổ, bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu hoặc hơi bị sưng. Nhưng đây là những dấu hiệu bình thường sau một cuộc giải phẫu. Thông thường, bệnh nhân phải chờ đợi từ 3 - 6 tháng để những tế bào xương bám vào bề mặt của trụ implant và giữ chặt nó trong khối xương. Ngày nay nhờ những cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng, nhiều nha sĩ đã cho bệnh nhân đeo ngay những chiếc mão răng hoặc bộ răng giả nằm trên trụ implant mà không cần phải tốn thời gian chờ đợi sự ‘liên kết xương’ được hoàn tất. Nhưng việc khảo cứu này vẫn chưa được thiết lập chắc chắn vì tiến trình theo dõi quá ngắn ngủi.
Giai đoạn II: thời gian mổ xẻ khoảng độ 10 tới 30 phút. Trong phần này, nướu răng sẽ một lần nữa được mở ra và đầu implant sẽ gắn liền với một trụ nhỏ ở trên đỉnh (transmucosal abutment). Bệnh nhân sẽ cảm nhận những đầu implant nhú ra từ bên trong nướu răng [Hình 6] Sau 2 tuần chờ đợi cho vết mổ được lành, nha sĩ sẽ làm những chiếc mão răng, cầu răng, hoặc bộ răng giả dựa trên những cột trụ implant [Hình 7].
Hình 6     Hình 7

Những biến chứng hay nguy hiểm có thể xảy ra khi trồng răng dental implant
Trồng implant có thể gây những biến chứng như sau:
1. Chảy máu, nhiễm trùng
2. Dị cảm (paresthesia) hoặc tê bại (anesthesia) tới cằm, lưỡi, răng hoặc gò má vì dây thần kinh ở hàm dưới bị tổn thương
3. Tổn thương xoang mũi hoặc đâm thủng màng xoang mũi (Sinus perforation) ở hàm trên
4. Sự liên kết xương không hoàn hảo đưa tới việc xương không bám chặt vào mặt implant. Hậu quả là implant bị lung lay và phải lấy ra.
Tuy nhiên, những sự khó khăn trên có thể tránh được nếu việc khám bệnh, chẩn đoán, và chọn lựa bệnh nhân được thi hành một cách cẩn thận kỹ lưỡng.
Sự phí tổn khi lựa chọn làm dental implant
Khi nghĩ tới làm răng implant chúng ta biết là phải liên quan tới cuộc giải phẫu. Như đã trình bầy ở trên, chúng ta thấy sự phức tạp và khó khăn trong việc đặt implant. Việc này đòi hỏi sự cộng tác và kết hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và tất cả bác sĩ chuyên khoa liên quan tới công việc trồng răng implant. Thí dụ, một người bệnh bị mất hết răng và muốn tái tạo bộ răng giả bằng phương pháp dùng implant cho cả hàm trên lẫn hàm dưới thì có thể phải cần: 1) Bác sĩ quang tuyến (radiologist) để chụp hình X-ray đo lường kích thước sâu rộng của bộ xương hàm, nhận định đường dây thần kinh, xoang mũi để tránh những việc nguy hiểm trong lúc mổ xẻ; 2) Bác sĩ giải phẫu (implant surgeon) để đặt implant vào xương hàm; 3) Bác sĩ chuyên khoa bộ môn răng giả (prosthodontist) để hướng dẫn vị bác sĩ giải phẫu đặt trụ implant cho đúng chỗ ngõ hầu giúp công việc trồng răng giả được chính xác và hoàn hảo hơn; 4) Bác sĩ gây mê (anesthesiologist) để giúp cho bệnh nhân thoải mái an tâm trong lúc giải phẫu. Nói tóm lại, khi tất cả các bác sĩ đó ngồi lại để nghiên cứu, học hỏi, trao đổi ý kiến, đưa ra những khía cạnh khác nhau và đo lường những sự khó khăn trước khi khởi sự thì cuộc giải phẫu sẽ tiến triển tốt đẹp, nhanh chóng và an toàn hơn.
Thí dụ trình bầy ở trên diễn tả trường hợp phức tạp nhất. Ngày nay, nhiều người trong chúng ta chỉ bị mất 1, 2 răng lẻ tẻ hoặc nhiều lắm là 5, 6 răng. Một nha sĩ có thể chuẩn bệnh và làm từ đầu tới cuối mà không cần tới những bác sĩ khác. Những hình X-ray có thể được chụp ngay tại văn phòng thay vì phải đi vào nhà thương để chụp những hình phức tạp (CT Scan, Tomogram, v.v...) đắt tiền hơn. Nếu tình trạng sức khoẻ cho phép, bệnh nhân cũng có thể trồng răng implant bằng cách chích thuốc tê tại những chỗ mất răng mà không cần tới bác sĩ gây mê. Như vậy, bệnh nhân sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Nói tới đây không có nghĩa là chúng ta có tiến hành một cách cẩu thả mà không có đường hướng kế hoạch rõ ràng. Người nha sĩ trong văn phòng vẫn phải có trách nhiệm và làm theo tiêu chuẩn cần thiết để đem sự an toàn đến cho bệnh nhân. Chúng ta không nên gọi điện thoại tới văn phòng để hỏi giá tiền hoặc mặc cả vì đây không phải là tiêu chuẩn chính, mà hãy dành thời giờ lấy hẹn để tham khảo ý kiến với vị nha sĩ đó. Là bệnh nhân, chúng ta có quyền đòi hỏi để biết kinh nghiệm, sự huấn luyện, bằng cấp, kiến thức và khả năng của vị bác sĩ đó riêng trong việc trồng răng implant. Chúng ta nên để ý xem cách thức làm việc của văn phòng, như thời gian dành riêng cho cuộc tham khảo, cách cư xử của nha sĩ và nhân viên trong văn phòng, việc giữ gìn sạch sẽ trong phòng mạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y Tế, v. v... Nếu còn vấn đề nào thắc mắc hoặc do dự, thì đây là lúc ta nên đi tham khảo ý kiến thêm của một nha sĩ khác (second opinion) trước khi khởi sự. Đừng vì ham rẻ tiền mà bỏ qua đi những yếu tố quan trọng khác có thể dẫn tới sự nguy hại đến cơ thể! Khi phải đi mua xe, mua nhà, hay quần áo thì phần đông chúng ta bỏ ra rất nhiều thời gian ngắm nghía, so sánh lợi hại, hoặc đặt ra nhiều điều kiện thì tại sao ta lại không đầu tư thời giờ để tìm hiểu tất cả các vấn đề trong công việc trồng răng implant cho mình!!
Về tài chánh thì việc trồng răng implant tương đối đắt hơn so với cách trồng răng giả tháo rời hoặc làm cầu răng. Hiện tại, có vài hãng bảo hiểm đã cho công việc trồng implant là hữu ích và đài thọ một phần ngân khoản để bệnh nhân có thể trồng răng bằng cách này. Giá tiền trồng cấy răng implant và chụp mão răng thay đổi tùy theo địa phương hoặc tùy văn phòng. Tốt hơn hết, bệnh nhân nên thỏa thuận và biết rõ phí tổn tổng cộng trong việc đặt implant trước khi khởi sự để tránh việc bỡ ngỡ hoặc phiền toái sau này.
Sự bền lâu của trụ răng implant [Longevity]
Nhiều người Việt Nam chúng ta thường đòi hỏi nha sĩ phải bảo đảm cho những trụ răng implant khi đã được trồng vào trong xương hàm. Tác giả cũng đã nghe và thấy một vài quảng cáo đăng trong báo hoặc trên radio là sẽ làm cho bệnh nhân những chiếc răng implant ‘tồn tại suốt đời!’ Trong bao nhiêu ngàn bài nghiên cứu đã được đưa ra toàn quốc thì không có 1 bài viết nào bảo đảm sự thành công 100%!!! Thật ra theo sự nhận xét khiêm nhường của tác giả thì chẳng có gì trên đời là vĩnh viễn cả! Nói tới trụ răng implant thì sau khi đã được nằm trong xương và khoang miệng bệnh nhân dĩ nhiên không tránh nổi sự hiện diện của nhiều loại vi trùng ẩn náu, hoặc thức ăn nước uống 5, 7 lần mỗi ngày, hoặc sức ép (pressure) trong việc nhai cắn v. v... Chưa kể tới những bệnh hoạn sẵn có trong cơ thể như là bệnh tiểu đường, xốp xương, loãng máu, ung thư hoặc những tật xấu như hút thuốc, nghiện rượu, không chăm sóc răng miệng mỗi ngày. Nói tới đây, chúng ta phải hiểu rõ là có rất nhiều yếu tố mà người nha sĩ không cầm chắc được trong tay khi nói tới việc bảo đảm cho sự lâu bền của trụ răng implant. Trong trường hợp này bệnh nhân chỉ ước mong vị nha sĩ đó sẽ mang ra áp dụng những kiến thức chuyên môn đã hấp thụ được và sẽ làm hết khả năng để bảo đảm sự an toàn thoải mái và tốt đẹp cho công việc.
Cách thức săn sóc răng Implant
Giống như những chiếc răng thật, những trụ răng implant cũng đòi hỏi chúng ta phải chải răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày. Càng chăm sóc giữ gìn sạch sẽ bao nhiêu thì càng bảo đảm trong sự lâu bền của trụ răng trong nhiều năm tháng. Bệnh nhân cũng nên đi khám răng thường xuyên 2, 3 lần mỗi năm để những trụ implant được chùi rửa kỹ lưỡng hơn. Giống như bộ răng giả bình thường hoặc những phương cách trồng răng kiểu khác, thì trụ răng implant và những bộ phận ăn khớp với nhau cũng phải trải qua những sự hao mòn thông thường (‘wear and tear’) và cuối cùng cũng cần tu bổ như thay bộ mấu mới (clip replacements), vặn ốc cho chặt (screw tightening), thay lớp lót (relines) hoặc điều chỉnh những cơ phận khác để thích hợp với sự năng động trong xương (dynamic of bone).
Kết Luận
Nếu chúng ta cảm thấy hàm răng của mình không được đẹp, thì nay đã có nhiều phát minh mới để giúp chúng ta có được một hàm răng mỹ thuật hơn. Nha Khoa thẩm mỹ đã giúp cho nhiều người có được nụ cười đẹp tự nhiên hơn. Kỹ thuật cấy răng vào xương hàm đã tiến triển khả quan trong nhiều năm qua nhờ vào những công trình thí nghiệm và khảo cứu trên súc vật. Thêm vào đó, việc theo dõi kỹ lưỡng và học hỏi trên những bệnh nhân đã giúp công việc trồng răng implant vào xương hàm được thoải mái, an toàn và lâu bền hơn cho nhiều người khác.
Sau khi đọc xong những bài viết về những cách thức trồng răng giả, tác giả mong ước quí độc giả sẽ hiểu biết thêm để chọn lựa và quyết định đúng. Tóm lại, trước khi làm răng giả chúng ta nên so sánh những điểm quan trọng trong biểu đồ sau đây (xem biểu đồ).