Dân Chúa Âu Châu

Bác Sĩ Nha Khoa Anne-Marie Hòa Nguyễn chuyên trị bệnh nướu răng và đặt implant (Periodontology & Implantology) tốt nghiệp Baylor College of Dentistry năm 1990, có bằng Master of Science về phân khoa nướu răng tại University of Texas - San Antonio năm 1996 và Board Certified bởi Hội American Board of Periodontology năm 1997, hiện đang hành nghề ở vùng Tây Nam (Southwest) Houston. Nếu có những thắc mắc liên quan tới nha khoa, xin liên lạc hoặc gửi thư về địa chỉ văn phòng 6666 Harwin Drive, Suite 650, Houston, TX 77036. ĐT: 713.917.0907. Copyright ã2006 Anne-Marie H Nguyen, DDS, MS.

Phần đông chúng ta có 32 cái răng, nhưng ít ai có bộ xương hàm rộng đủ để tất cả các răng có thể mọc ngay ngắn và trật tự. Thông thường, một bộ răng của người lớn có 6 răng hàm ở hàm trên và 6 răng hàm ở hàm dưới, tổng cộng là 12 chiếc răng hàm. Răng hàm thứ nhất mọc vào khoảng độ 6 tuổi. Răng hàm thứ nhì mọc vào lúc 12 tuổi. Còn bốn chiếc răng hàm thứ ba, được gọi là ‘răng khôn’, thường mọc vào lứa tuổi thanh niên 18 - 20, lúc mà con người được xem là đã trưởng thành và khôn lớn. Vậy, răng khôn là 4 chiếc răng hàm phát triển và mọc trễ nhất trong miệng của chúng ta. Những chiếc răng này đứng ở bốn góc trong cùng của miệng nên tư thế và vị trí ít khi được bình thường [Hình 1]. Nhiều răng khôn mọc ngầm trong quai hàm (impaction), có thể kẹt ở vị trí đó suốt đời, hoặc gây nhiều biến chứng phức tạp.
 
Hình 1. Diễn tả vị trí của bộ răng hàm

Biến chứng liên quan tới răng mọc ngầm
Vì khuynh hướng răng hàm cuối cùng bị nằm cứng chặt trong xương hàm hoặc không thể di chuyển vào đúng vị trí của nó nên hay gây nhiều rắc rối và phiền toái cho bệnh nhân. Chính vì không đủ chỗ nên những chiếc răng khôn thường mọc lên và phát triển theo chiều hướng nào dễ dàng nhất, như đã được diễn tả trong những họa hình. Nếu những chiếc răng đó chỉ nhú ra chút ít hoặc bị chôn ngầm hẳn trong xương và vòm nướu thì có thể xẩy ra các biến chứng như sau:

1. Sâu răng [tooth decay/caries]: Khi chiếc răng khôn chỉ ló ra một phần thì dĩ nhiên việc chải và gìn giữ mặt răng cho sạch rất khó thực hiện được. Vụn thức ăn và bựa răng đầy vi trùng sẽ đóng tụ trên mặt răng và lâu ngày sẽ tạo ra một lỗ sâu trên chiếc răng khôn đó [Hình 2]. Trong trường hợp chiếc răng khôn nằm nghiêng dựa vào chiếc răng phía trước thì có thể làm cho răng này bị sâu luôn.

2. Sưng màng nướu [Pericoronitis]: Trong trường hợp này một phần bề mặt chiếc răng khôn bị bao phủ bởi một màng nướu. Lâu ngày thức ăn bị ứ đọng ở dưới màng nướu này và đưa tới sự nhiễm trùng. Nhiều lúc màng nướu bị sưng quá to khiến cho bệnh nhân lên cơn sốt và không thể mở miệng lớn được.

3. Sai lệch vị trí [Poor Position]: Vì không đủ chỗ, nên nhiều chiếc răng khôn mọc lệch lạc và quay ngang ngửa để tự tìm chỗ cho mặt răng trồi lên [Hình 3].
4. Tạo nên nang thũng [Cystic Formation]: Khi một chiếc răng hàm bị kẹt cứng trong xương, toàn chiếc răng được bao bọc bởi một túi (sac or cyst) có màng mỏng, chứa đựng chất lỏng có máu hoặc mủ [Hình 5]. Nang thũng nẩy nở chậm, nhưng sức ép của nang thũng có thể gây tổn thương tới những chiếc răng bên cạnh, hoặc tới xương hàm và giây thần kinh. Biến chứng của nang thũng dẫn tới cơn sưng và đau nhức chung quanh vùng xương hàm có chiếc răng cấm.

5. Viêm nha chu [Periodontal Diseases]: Khi những chiếc răng khôn mọc lệch lạc hoặc không nhô lên thẳng, xương hàm của những chiếc răng đứng phía trước bị hủy hoại, tạo nên một hố sâu chứa đựng những vụn bã thức ăn và nhiều loại vi trùng khác nhau, dẫn tới bệnh nướu răng tại vùng này.
Khi nào nên đi nhổ răng khôn?
Nhiều vị chuyên khoa giải phẫu hàm mặt (oral-maxillofacial surgeon) khuyên nên nhổ đi những chiếc răng khôn khi chân răng mọc được 3/4 chiều dài. Vì vậy, thời điểm tốt nhất để đi nhổ những chiếc răng khôn là ở lứa tuổi thanh niên (16 - 19 tuổi). Thứ nhất, tuổi tác càng cao thì công việc nhổ răng hàm càng khó khăn vì lúc đó chân răng đã có cơ hội mọc đủ dài để cắm chặt trong ổ xương. Thứ nhì, khi còn trẻ tuổi thì khả năng phát triển xương để đắp vào chỗ trống của chân răng sau khi nhổ sẽ nhanh chóng và chắc chắn hơn. Hơn nữa, khả năng và thời gian bình phục sau khi nhổ răng sẽ dễ dàng và mau chóng hơn. Cũng có vài trường hợp răng hàm cấm mọc ngay thẳng và không gây nên khó khăn gì cả. Theo như thống kê thì chỉ khoảng dưới 10% dân số có bộ răng đủ 32 chiếc trong miệng. Nhưng dù ở tuổi nào đi nữa, những triệu chứng sau đây sẽ giúp chúng ta quyết định nên hay không nhổ những chiếc răng khôn:
1. Đau nhức (pain)
2. Nhiễm trùng (infection)
3. Sưng mặt (Facial swelling)
4. Sâu răng (tooth decay)
5. Sưng hạch ở vùng cổ (neck lymphadenopathy)
6. Sưng màng nướu (pericoronitis)
7. Viêm nướu răng hoặc mất xương răng (periodontal diseases)
Vì có nhiều khó khăn liên quan tới việc giải phẫu để nhổ những chiếc răng khôn và có nhiều triệu chứng không thể hiện rõ ràng cho người bệnh, Hội Đồng Nha Khoa khuyên chúng ta nên cho con em đi khám răng thường xuyên và theo dõi sự cấu tạo và phát triển của những chiếc răng này bằng quang tuyến để đề phòng những biến chứng gây hại tới sức khỏe.
Tiến trình giải phẫu nhổ răng khôn
Điều quan trọng nhất trong việc nhổ răng khôn là buổi tham khảo đầu tiên (initial consultation), trừ khi người bệnh là bệnh nhân thường xuyên của văn phòng. Đây là cơ hội cho vị nha sĩ tổng quát (general dentist) sơ lược lại hồ sơ bệnh lý của người bệnh, những thuốc đang uống hoặc các dị ứng, và những triệu chứng liên quan đến những chiếc răng khôn. Sau đó, vị nha sĩ sẽ khám khoang miệng và chụp hình quang tuyến để biết rõ vị trí của chiếc răng cấm liên quan tới những vùng quan trọng như giây thần kinh, xoang mũi, v.v... Tùy theo khả năng hoặc kinh nghiệm của từng nha sĩ và tùy theo vị trí khó khăn của chiếc răng khôn, một số trường hợp cần phải được gửi tới một nha sĩ chuyên khoa hàm mặt (oral-maxillofacial surgeon) để giải phẫu hầu bảo đảm sự an toàn cho người bệnh.
Phần đông cuộc giải phẫu để nhổ những chiếc răng khôn có thể thực hiện tại phòng mạch nha khoa và chỉ cần chích thuốc tê (local anesthesia) tại vùng chung quanh răng hàm. Tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người, nha sĩ có thể cho bệnh nhân uống thuốc an thần nhẹ để cảm thấy thoải mái trong khi giải phẫu. Nếu người bệnh có vấn đề sức khỏe tổng quát hoặc quá lo lắng sợ hãi thì có thể phải cần tới việc gây mê toàn khoa (conscious sedation/general anesthesia).
Giá tiền nhổ răng cấm tùy theo: 1) trình độ khó khăn; 2) tùy theo địa phương; hoặc 3) tùy văn phòng. Hiện tại, phần đông những hãng bảo hiểm Nha Khoa và Y Khoa đều đài thọ phí khoản của công việc nhổ răng cấm. Tốt hơn hết, bệnh nhân nên thỏa thuận và biết rõ tổng cộng tất cả các phí tổn trong việc nhổ răng trước khi khởi sự để tránh sự ngỡ ngàng hoặc phiền toái sau này.
Biến chứng và phản ứng phụ trong lúc và sau khi nhổ răng cấm
Giải phẫu nhổ răng khôn được coi là một việc thông thường và an toàn đối với nhiều nha sĩ. Tuy nhiên, những ai cần nhổ răng cấm cũng nên biết trước những biến chứng hoặc phản ứng phụ có thể xảy ra trong lúc giải phẫu. Phản ứng phụ (Side-effects) thường luôn xảy ra rất nhẹ và chỉ ảnh hưởng tạm thời, như rỉ máu trong 24 giờ đầu, sưng mặt, đau nhức, cứng quai hàm trong 1, 2 ngày đầu. Biến chứng (complications) là những vấn đề rắc rối hơn có thể xảy ra trong lúc hoặc sau khi giải phẫu. Biến chứng thông thường nhất là chảy máu quá nhiều (excessive bleeding), nhiễm trùng (infection), phản ứng bất ngờ tới những thuốc gây mê (unexpected reaction to sedation medications), tổn hại đến chiếc răng hàm bên cạnh hoặc những chiếc răng khác (damage to adjacent or other teeth), gãy xương hàm (jaw fracture), gây thiệt hại tới đường giây thần kinh đưa tới sự tê liệt tạm thời (temporary numbness) hoặc hiện tượng mất cảm giác vĩnh viễn (permanent paresthesia/anesthesia). Những hiểm họa này xảy ra hay không tùy thuộc vào vị trí của chiếc răng ngầm, các loại thuốc dùng trong lúc giải phẫu, hoặc những yếu tố khác như sức khỏe tổng quát của người bệnh (như bệnh tiểu đường, bệnh gan, loãng máu, cao máu, v. v...), hoặc tùy vào kinh nghiệm của bác sĩ giải phẫu. Cho nên, việc chẩn bệnh trước khi giải phẫu được xem là điểm quan trọng để có thể tránh được những sự nguy hiểm bất ngờ, và cũng để cho người bệnh hiểu biết trước những biến chứng có thể xảy ra trước khi quyết định nhổ răng (informed consent).
Những điều cần làm sau khi nhổ răng
Trước khi ra về, nha sĩ thường căn dặn một vài điều quan trọng sau khi nhổ răng và cho bệnh nhân những toa thuốc để giúp cho vết thương bình phục mau chóng.
NÊN:
- Chườm đá ngoài da để giảm độ sưng ngay sau khi mổ.
- Nếu còn rỉ máu, nên cắn chặt trên miếng bông gòn trong khoảng 15-30 phút hoặc cắn trên bịch trà khô (Lipton Tea Bag).
- Uống thuốc đau nhức và trụ sinh đúng độ như đã ghi trong toa.
- Giữ gìn sạch sẽ răng và miệng sau 24 - 48 giờ sau khi mổ.
- Ăn những thực phẩm mềm lỏng hoặc xay nghiền như soup gà, yogurt, phở/mì chay cắt nhỏ để không cần nhai cắn.
- Uống nhiều nước (sữa, trái cây) sau khi máu đã ngừng chảy.
KHÔNG NÊN:
- Nhai cắn những thực phẩm dai hoặc cứng (cà rốt, bắp rang, mè vừng, etc.) trong khoảng 2 tuần. Những vụn thức ăn đó có thể bị rơi hoặc dắt vào những ổ xương hàm gây ra nhiễm trùng
- Chải răng chung quanh chỗ mổ liền sau khi mổ. Nên cẩn thận khi chải răng tại những nơi này. Tốt hơn hết hãy chờ sau 48 tiếng.
- Súc miệng liên tục khi thấy máu chảy trong miệng. Càng súc miệng thì máu sẽ bị chảy nhiều hơn, vì máu cần thời gian để đọng lại.
- Uống nước bằng ống hút hoặc khạc nhổ quá mạnh, vì có thể làm cho cục máu long ra.
- Hút thuốc lá ngay sau khi mổ hoặc uống rượu mạnh. Chú Ý: Uống rượu có thể gây phản ứng nguy hại khi pha trộn với những thuốc đau nhức!!!
- Làm việc quá độ. Nên dùng thời giờ để dưỡng bệnh.
Nên gọi cho văn phòng trong những trường hợp khẩn cấp như:
- Chảy máu quá nhiều hoặc không nuốt được
- Sưng mặt liên tục hoặc tái hồi (persistent or recurrent swelling)
- Cơn đau liên tục
- Lên cơn sốt
- Bị phản ứng thuốc (nôn mửa, nổi ngứa)
KẾT LUẬN:
Tác giả mong ước bài viết này sẽ giúp nhiều người hiểu biết thêm về chiếc răng khôn và những biến chứng liên quan tới răng của mình. Điểm quan trọng là chúng ta nên đi khám răng thường xuyên để "phòng bệnh hơn chữa bệnh", hầu chính mình hoặc con cái có được một hàm răng đẹp và khỏe mạnh như những người bản xứ. Đừng vì những lý do như thời gian eo hẹp, tốn phí tiền bạc, hoặc những tư tưởng lỗi thời như "răng nó không bị đau thì đừng đụng vào" mà bỏ mất đi cơ hội chữa trị đúng lúc, để rồi sẽ phải tốn kém gấp 5, 10 lần để sửa lại những chiếc răng khác bị hư lây một cách vô lý!

Tác giả chân thành ghi ơn Bs. Nguyễn Tiến Dỵ và A. Trịnh Lê Trung đã sửa chữa nét văn cho bài viết này được hoàn hảo.