Dân Chúa Âu Châu

Bác Sĩ Nha Khoa Anne-Marie Hòa Nguyễn chuyên trị bệnh nướu răng và đặt implant (Periodontology & Implantology) tốt nghiệp Baylor College of Dentistry năm 1990, có bằng Master of Science về phân khoa nướu răng tại University of Texas - San Antonio năm 1996 và Board Certified bởi Hội American Board of Periodontology năm 1997, hiện đang hành nghề ở vùng Tây Nam (Southwest) Houston. Nếu có những thắc mắc liên quan tới nha khoa, xin liên lạc hoặc gửi thư về địa chỉ văn phòng
 6666 Harwin Drive, Suite 650, Houston, Texas 77036. ĐT: 713.917.0907.
Copyright-2007 Anne-Marie H Nguyễn, DDS, MS.


Cộng đồng VN tại Hoa Kỳ nói chung và tại thành phố Houston nói riêng, số người cao niên càng ngày càng gia tăng. Một phần những vị trung niên qua Mỹ từ lâu trở thành già đi, cộng thêm với nhiều gia đình đưa bố mẹ qua Mỹ đoàn tụ ngày càng đông đảo. Theo thời gian thì việc săn sóc người già ngày càng trở thành một vấn đề quan trọng. Dĩ nhiên sự thay đổi của tuổi già là điều không thể tránh được. Theo diện mạo bên ngoài thì ai cũng nhận ra như: da nhăn, tóc bạc, lưng khòm, mắt mờ, tai lãng, sức yếu, v.v... Bên trong cơ thể, các bộ phận cũng càng ngày càng suy thoái đi, từ hệ thần kinh, hệ tim mạch đến các hệ tiêu hóa, vận động đều suy giảm chức năng. Nhưng với đà tiến bộ y học ngày nay cộng thêm thức ăn dinh dưỡng đầy đủ và không khí sạch sẽ, tuổi thọ con người đã tăng lên rất nhiều. Chúng ta thấy nhiều người sống đến 80, 90 tuổi là việc bình thường.
Nói về khoang miệng và răng thì rất nhiều người VN, già cũng như trẻ, vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng về cách chăm sóc và giữ gìn vì họ đã sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh hoặc môi trường mà vấn đề vệ sinh hoặc sự phòng bệnh hơn chữa bệnh không được quan tâm và chú trọng nhiều. Họ nghĩ rằng khi mình già đi thì chuyện mất răng, đau răng, chảy máu răng, rụng răng là chuyện đương nhiên. Nếu bị mất đi vài chiếc răng thì họ có thể đeo những bộ răng giả bán phần (partial denture) hoặc những chiếc răng giả cố định (fixed bridge) để lấp đi những chỗ trống. Bài viết này tác giả xin trình bày những sự thay đổi trong hàm răng và khoang miệng của tuổi hạc để chúng ta nhận thức được tầm quan trọng việc gìn giữ và bảo trì hàm răng sẵn có của mình trong lúc còn trẻ. Đồng thời cũng để chúng ta, là bậc con cháu, kiên nhẫn và thông cảm với những khó khăn mà cha mẹ, ông bà, hoặc những vị cao tuổi phải trải qua khi những chiếc răng bị mất hoặc những biến đổi trong khoang miệng.
Những biến đổi trong khoang miệng của người cao niên.
1.    Sự co rút nướu răng [gum receding; gum recession]
2.    Sâu chân răng [root caries]
3.    Mòn răng [tooth wear]
4.    Thay đổi màu răng [tooth discoloration]
5.    Bệnh nướu răng [periodontal disease; gum disease]
6.    Tình trạng mất răng [tooth loss]
7.    Tình trạng mất xương hàm [bone loss]
8.    Chứng khô miệng [dry mouth]
9.    Thay đổi vị giác [taste alteration].
10.    Ung thư khoang miệng [oral cancer].
Sự co rút nướu răng là một tình trạng dễ thấy ở người lớn tuổi do hậu quả của việc đánh răng quá mạnh tay và không đúng phương cách trong bao nhiêu năm, hoặc bị bệnh nướu răng. Khi nướu răng bị co rút, chân răng sẽ lộ ra nhiều làm cho răng dễ bị buốt hoặc bị sâu, vì chân răng không còn lớp men bảo vệ nữa nên lớp ngà răng ở phần này rất mềm và yếu. Tỉ lệ sâu chân răng ở người lớn tuổi nhiều gấp 3-4 lần so với người trẻ. Những yếu tố khác có thể làm cho răng dễ bị sâu hơn như: tình trạng khô miệng, ổ xương răng bị hủy hoại gây ra những chỗ rỗng chung quanh thân răng, hoặc khó khăn trong việc chải răng vì bệnh tật.
Răng là một bộ phận duy nhất trong cơ thể có khả năng chịu đựng sự cọ sát. Dù vậy sau bao nhiêu năm xử dụng, lớp men răng không ít thì nhiều cũng bị mòn đi. Không phải chỉ ở lứa tuổi cao niên chúng ta mới thấy sự kiện này. Sự mòn răng còn thấy rõ hơn ở những người trẻ tuổi nếu có tật nghiến răng trong khi ngủ [nocturnal bruxism] hoặc có thói quen ghì chặt hai hàm răng [teeth clenching] những khi bị căng thẳng, tức giận hoặc gắng sức v. v... Khi lớp men trên mặt nhai của chiếc răng đã bị mòn thì lớp ngà răng sẽ lộ ra. Tình trạng này cũng có thể biến đổi màu răng thành vàng hoặc nâu vì lớp ngà răng dễ bị nhuộm màu từ các thức ăn nước uống [cà phê, nước trà] quen dùng mỗi ngày. Nếu mài sát quá độ thì lớp tủy răng có thể bị lộ ra đưa tới sự nhức nhối đau đớn hoặc cả mặt răng bị mòn đến mặt nướu làm cho khuôn mặt ngắn đi hoặc nhìn già trước tuổi!

Hình 1. Hàm răng dưới bị mòn để lộ lớp ngà và tủy răng.

Phần lớn người Việt Nam chúng ta và nhất là các vị cao niên đều mắc bệnh nướu răng (bệnh nha chu), với nhiều tình trạng nặng nhẹ khác nhau. Những triệu chứng thông thường nhận thấy rõ ràng là sưng màng nướu, chảy máu trong lúc đánh răng, hôi miệng, răng lung lay hoặc tách rời. Khi có những triệu chứng này trong lúc còn trẻ, chúng ta cần phải lưu ý nha sĩ khi đi khám răng để được điều trị chuyên môn một cách đầy đủ thì mới có hy vọng chặn đứng được bệnh này. Nếu không thì vi trùng sẽ phát triển và hoành hành mạnh hơn làm hủy hoại những ổ xương hàm dẫn tới sự rụng răng. Một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là khi đã được điều trị bệnh nướu răng rồi thì bệnh nhân cần phải được theo dõi thường xuyên hơn để ngăn chặn sự tái phát của căn bệnh này.

Hình 2A/B: Bệnh nướu răng trong thời kỳ nặng, dẫn tới việc nhổ răng toàn hàm.

Dĩ nhiên ở tuổi cao niên thì tình trạng mất răng càng thấy rõ rệt. Nguyên nhân thông thường nhất gây ra sự mất răng là bệnh sâu răng và bệnh nướu răng. Một khi đã bị nhổ một vài chiếc răng rồi thì những chỗ trống cần phải được thay thế bằng những phương cách như: bộ răng giả tháo rời (removable denture), răng giả cố định (fixed prostheses), hoặc bằng những trụ implant để giúp tái tạo tác động nhai cắn và tránh hậu quả khác như mất thẩm mỹ, ăn nói khó khăn, má hóp, các răng xiêu vẹo ngả nghiêng v. v...
Về vấn đề khô miệng, người lớn tuổi thường hay bị tình trạng này với nhiều nguyên nhân như:
    Tuyến nước miếng teo đi theo tuổi tác
    Những bệnh liên quan tới tuyến nước miếng (salivary gland diseases)
    Ảnh hưởng phụ (side-effects) của các loại thuốc cao huyết áp, thuốc an thần, thuốc ho, thuốc suyễn, thuốc chống dị ứng, v. v...
    Chữa trị bằng quang tuyến (radiation therapy) hoặc hóa học trị liệu các bệnh ung thư, nhất là ở vùng đầu và cổ. Các tế bào của tuyến nước miếng rất nhạy cảm (sensitive) và dễ bị hủy hoại bởi tia phóng xạ và các hóa chất chữa ung thư.
Nói tổng quát, nước miếng có rất nhiều công dụng, chẳng hạn như tính chất kháng vi khuẩn (antibacterial), kháng siêu vi trùng (antivirus), kháng trị nấm (antifungal), diệu tố hòa tan (buffering enzymes) các chất acid tạo ra do sự lên men của các thức ăn đọng lại trên răng, tiêu hóa một phần các thức ăn có chứa tinh bột như cơm, bánh mì, và tẩy sạch khoang miệng (mechanical cleansing of the oral cavity). Tóm lại, nước miếng được coi như là một loại xà bông rất tốt trong miệng. Vì những công dụng nêu trên của nước miếng, tình trạng khô miệng có thể đưa tới những hậu quả như sau:
    Ăn và nói khó khăn
    Thay đổi vị giác, ăn uống không còn ngon miệng.
    Sâu răng, nhiều ở cổ răng hơn là trên mặt răng
    Đeo bộ răng giả khó khăn hơn vì khi không có nước miếng, độ bám của hàm răng giả sẽ giảm đi và cọ xát vào nướu răng gây thêm đau đớn
    Khoang miệng dễ bị nhiễm trùng hoặc nhiễm các loại nấm.
Về phần ung thư khoang miệng, thì bệnh này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cho dù răng còn hay không. Thống kê mỗi năm cho biết có khoảng 1/2 tổng số 8,000 người chết vì bệnh ung thư quai hàm mặt ở vào lứa tuổi 65 trở lên. Nếu bệnh ung thư được phát giác sớm thì việc chữa trị rất thành công.
Những khó khăn trong việc chăm sóc răng miệng cho người cao niên
1.    Việc chải răng trở nên rất khó khăn và không chính xác, nhất là những người mắc bệnh như bị viêm khớp bàn tay, tê thấp, hệ thống thần kinh bị suy nhược run lẩy bẩy như bệnh Parkinson’s, bị liệt do tai biến mạch máu não (stroke).
Khi răng miệng không được giữ vệ sinh đúng mức thì bệnh sâu răng và bệnh nướu răng dễ phát triển trong khoang miệng.
2.    Không có bảo hiểm vì không còn đi làm hoặc đã về hưu; tiền bảo hiểm y tế của liên bang qua chương trình Medicare và Medicaid thông thường trả rất giới hạn hoặc hoàn toàn không trả trong việc chữa trị răng miệng.
3.    Ngân khoản về hưu không được dồi dào. Bởi đó, những vị cao niên chỉ tìm cách chữa trị trong trường hợp khẩn cấp mà thôi nên công việc phòng bệnh không còn thấy quan trọng nữa.
4.    Lệ thuộc vào con cái hoặc người khác giúp mình hoặc chở đi tới phòng mạch vì những thay đổi thể lý. Người già có thể mất đi khả năng đã có như không thể lái xe được, không tự nấu ăn hay chăm sóc vệ sinh cơ thể được nữa.
5.    Thiếu đi động lực thúc đẩy [lack of personal motivation]
Phương cách phòng ngừa
1.    Sâu chân răng có thể được ngăn ngừa bằng cách thường xuyên chải răng với một loại kem đánh răng có nồng độ fluoride cao. Nên chải răng và xúc miệng ngay sau khi ăn và hạn chế ăn vặt.
2.    Để tránh sự mòn răng và nếu ai có tật nghiến răng trong lúc còn trẻ, nha sĩ có thể làm một bộ bằng nhựa mềm hoặc cứng chụp lên mặt răng (occlusal mouth guard), để ngăn cho hai hàm răng không cọ xát vào nhau vào bất cứ lúc nào (khi ngủ hoặc khi làm việc).
3.    Sự mất răng có thể tránh được bằng cách phòng ngừa và điều trị bệnh sâu răng và bệnh nướu răng từ lúc còn trẻ.
4. Chứng khô miệng có thể giảm đi bằng cách thường xuyên hớp từng ngụm nước nhỏ, nhai kẹo cao xu / ngậm kẹo chanh không có chất đường, hoặc thoa các loại nước miếng nhân tạo [Xero-Lube, Salivart] vào nướu răng và bên trong bộ răng giả. Nếu bị khô miệng do ảnh hưởng phụ của các loại thuốc, chúng ta có thể hỏi ý kiến của bác sĩ y khoa gia đình để xin thay thế bằng loại thuốc khác ít gây khô miệng hơn.
5. Những bộ răng giả tháo rời cũng có phần làm bằng nhựa nên lúc nào cũng phải ngâm trong nước (nếu không mang trong miệng) để khỏi bị khô và tránh được phần co giãn. Tốt hơn hết, mỗi đêm sau khi đã chà kỹ lưỡng, nên ngâm bộ răng giả vào hộp nước có pha chất thuốc tẩy [Polident; Efferdent]. Không nên mang bộ răng giả suốt ngày, nhất là khi đi ngủ vì nướu răng cần sự luân chuyển không khí (air exchange) và cần giữ gìn sạch sẽ. Nếu không rửa sạch, thức ăn sẽ bám vào bộ răng lâu ngày sẽ gây nên mùi hôi. Thêm vào đó sự ẩm ướt giữa nướu răng và bộ răng giả có thể đưa tới bệnh nấm (fungal disease; candidiasis) và có thể lan xuống vùng cổ gây nhiều phiền toái cho những người cao tuổi.
6. Mặc dù bệnh nhân không còn răng thật nữa nhưng vẫn cần phải đi nha sĩ hàng năm để tái khám xem bộ răng giả còn được vững chắc hay không, theo dõi sự tiêu mòn của xương hàm mỗi năm, và phòng ngừa bệnh ung thư.
Kết Luận
Tiếng Việt có câu ‘Sinh Lão Bệnh Tử’. Dĩ nhiên con người sinh ra ai cũng phải lớn lên, trưởng thành và chấp nhận sự lão hóa. Nhưng tuổi già không có nghiã là tuổi bệnh tật. Nếu chúng ta ý thức chịu khó chăm sóc hàm răng của mình trong lúc còn trẻ thì khi về tuổi ‘xế chiều’ mình vẫn có được bộ răng khỏe mạnh, trắng đẹp và một nụ cười vui tươi!

Tài Liệu Trích Dịch:
1.    Christensen, Gordon. Providing oral care for the Aging Patient. JADA 138, pp. 239-242. February 2007.
2.    Your Mouth and Teeth Age, Too. Simple Steps to Better Dental Health. Nov. 2006.
3.    Chánh, Việt. Những biểu hiện ở răng miệng của người lớn. S–NG M_NH 136, pp. 11, 36-37. May-Aug 2004.

Tác giả xin chân thành cảm tạ A. Trịnh Lê Trung và BS Nguyễn Tiến Dỵ đã đóng góp ý kiến và sửa chữa trong bài viết này.