Dân Chúa Âu Châu

Bs. Anne-Marie Hòa Nguyễn tốt nghiệp Nha Khoa tại Baylor College of Dentistry và ngành chuyên khoa nướu răng (Periodontology) tại University of Texas-San Antonio. BSNK A-M Hòa Nguyễn hiện tại đang hành nghề chuyên khoa tại Houston, Texas. Nếu có những thắc mắc liên quan tới vấn đề trong ngành nha khoa, xin liên lạc hoặc gửi thư về địa chỉ văn phòng 6666 Harwin Drive, Suite 650, Houston, Texas 77036. ĐT: (713) 917-0907. Copyright @ 2007 Anne-Marie H Nguyễn, DDS, MS.

Bs. Trương Hữu Đức tốt nghiệp Nha Khoa và chuyên khoa ngành rút tủy (Endodontology) tại Harvard University. BSNK Trương Hữu Đức hiện tại đang hành nghề chuyên khoa tại Boston, Massachusetts.

Trong 2 thập niên trở lại đây ta thấy có phong trào chạy theo những phương pháp để làm cho bộ răng mình được đều đặn và trắng đẹp. Họ bị ảnh hưởng qua hình ảnh của những cô người mẫu cười toe toét quảng cáo trên sách báo hoặc trên màn ảnh. Quá hơn nữa là có người chịu bỏ ra một món tiền thật lớn để xin nhổ đi những chiếc răng còn tốt nhưng chỉ hơi xiêu vẹo hoặc phai mầu của chính mình để thay vào đó bằng bộ răng giả hay những trụ Implant nhân tạo. Buồn hơn nữa là trong giới nha sĩ lại có những người vì lợi lộc tài chính làm lu mờ lý trí nên chiều theo ý của người bệnh, mặc dù con đường đó không phải là giải pháp hữu hiệu và hơn nữa đi ngược dòng luân lý và suy xét cơ bản bình thường của một nhân sĩ. Tôi còn nhớ mãi một chàng trai khoảng độ 50 tuổi nghiện thuốc lá và cũng chẳng để ý đến việc giữ vệ sinh răng miệng cho lắm. Chàng ta xin tôi nhổ hết những chiếc răng sẵn có của anh để thay thế bằng 1 bộ răng giả thẳng tắp và trắng mịn. Sau khi khám xong thì chỉ thấy 3, 4 chiếc răng của anh cần rút tủy và trám lại thôi; đồng thời rửa và nạo những chân răng cho sạch hết vi trùng. Tôi khuyên anh bằng mọi cách nên duy trì bộ răng ‘trời cho’ của mình vì chẳng có nguyên liệu nhân tạo nào có thể giúp cho mình nhai cắn và nói chuyện thoải mái bằng những răng sẵn có. Tôi chỉ buồn rằng mình không có tài thuyết phục anh chàng này bỏ cái ý định ‘tối tăm’ đó. Hai tháng sau anh ta trở lại văn phòng buồn bã; khuôn mặt anh hóp vào như một ông già 70 tuổi. Tôi sửng sốt và bàng hoàng khi biết anh đã kiếm được 1 nha sĩ đồng ý nhổ hết hàm răng của anh ta đi và thay bằng bộ răng giả ‘lập cập’ trong miệng. Tôi băn khoăn tự hỏi, ‘trong trường hợp này thì lỗi tại ai?’ Tại chàng trai đó thúc đẩy nha sĩ cho bằng được để làm toại nguyện ý riêng của mình? Hay là vị nha sĩ nhổ hàm răng đó không trình bầy cặn kẽ những khó khăn, hậu quả khi bị mất răng cho người bệnh?!!!
Trong những số báo trước chúng tôi đã đề cập về các đề tài trồng răng giả, cầu răng và Implant kể cả những ưu điểm và khuyết điểm của mỗi phương cách. Khi đụng tới những vấn đề nêu trên thì điểm quan trọng là người bệnh đã bị mất răng rồi. Nhưng, trong trường hợp những chiếc răng còn lại bị sâu lan rộng tới vùng tủy thì điểm ưu tiên là phải bảo tồn chiếc răng nguyên thủy đó trước khi dự định nhổ và thay thế bằng những răng nhân tạo. Theo thống kê, mỗi năm công việc rút tủy (rút gân máu) đã cứu vãn hơn 17 triệu chân răng! Có thể chúng ta đã nghe biết về việc rút tủy nhưng chưa bao giờ trải qua kinh nghiệm đó. Bài viết sau đây sẽ giải thích và giúp chúng ta hiểu biết thêm về phân khoa [Endodontics] này, lý do tại sao cần phải lấy gân máu cũng như thu thập những kiến thức phổ thông liên quan tới chữa trị tủy răng.

Hỏi: Gân máu là gì?

Đáp: Thật sự chân răng chúng ta không có ‘gân’ mà chính xác hơn nên gọi là tủy răng [pulp]. Tủy răng được kết hợp bởi các mạch máu (venules), sợi thần kinh tủy (nerve fibers), chất lỏng giữa tế bào (interstitial fluid), tế bào cấu tạo răng (odontoblast, fibroblast) và chất tạo keo (collagen). Tủy răng là một cơ quan dẫn truyền cảm giác (sensory organ). Những yếu tố kích thích cảm giác như hơi nóng/ lạnh, sự thay đổi hình dạng hay vị thế của răng (mechanical deformation), và sự tổn thương đến tủy đều đưa đến nhức răng (pain). Chân răng được coi là còn ‘sống’ (vital tooth) khi những cơ cấu trong tủy răng lành mạnh và sinh động. Tủy răng nằm ngay chính giữa lòng chân răng, dọc theo chiều dài của răng. Phần bao bọc bên ngoài lớp tủy được gọi là ngà răng [dentin]. Men răng [enamel] là lớp ngoài cùng che bọc lớp ngà răng. [Hình A]

H: Lấy tủy máu là gì?

Đáp: Lấy tủy máu (hoặc chỉ máu/gân máu) là một phương cách chữa răng để giữ lại chân răng. Khi sợi tủy đã được rút sạch, răng cũng sẽ hết đau vì chiếc răng coi như đã ‘chết’ [non-vital tooth] và sẽ mất đi phần cảm giác. Tuy vậy, chân răng vẫn tồn tại và còn có thể dùng được sau khi đã được đắp lại bằng chì hoặc bọc kín bằng chiếc mão răng (crown).

H: Khi nào cần đi rút tủy?

Đáp: Thông thường nhất là khi đường tủy bị tổn thương do chứng bệnh sâu răng [dental caries] gây nên. Thoạt đầu, lỗ răng sâu còn nhỏ nên có thể không cho người bệnh một triệu chứng nào. Sau khi lớp men răng đã bị sâu mòn thì răng có thể bị đau buốt khi đụng chạm tới các chất chua ngọt hoặc nóng lạnh. Nếu không được chữa trị sớm, sự sâu mòn sẽ lan tới lớp ngà răng rồi tới tủy răng và có thể đưa tới sự đau răng liên tục kéo dài trong nhiều ngày tháng. Sâu răng dài hạn còn đưa tới sự mục nát lớp tủy răng [necrotic pulpitis]. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể lên cơn sốt, sưng mủ vì nhiễm trùng hoặc đau đớn nhiều hơn trước. [Hình B]. Đây là yếu tố do vi trùng gây ra (bacterial factor).
        
2) Răng bị mẻ hoặc gẫy. Trong trường hợp tai nạn, một phần răng có thể bị vỡ và tủy răng bị chạm đến. Đây là yếu tố do thương tích gây ra (traumatic factor).
3) Tủy răng bị ăn mòn [internal resorption]. Hệ thống tủy răng (pulpal system) bị hủy hoại bên trong vì một lý do không được chính xác (idiopathic factor). Lấy tủy răng sẽ làm ngừng sự ăn mòn này.
4) Chiếc răng bị trám mảng lớn hoặc bị mài nhỏ đi khi làm mão hoặc cầu răng [crown and bridge]. Khi lớp men và ngà răng bị mài hoặc bị hủy hoại thì dĩ nhiên lớp tủy răng không còn được bảo vệ nữa. Vì vậy sau khi răng bị trám hoặc phải làm những mão răng/cầu răng thì có một số người cảm thấy buốt răng và đau đớn khi ăn uống thực phẩm nóng hoặc lạnh.
5) Răng bị rớt ra khỏi hàm [avulsion]. Khi bị ngã hoặc bị va chạm nặng, chân răng bị đập mạnh và có thể rớt ra khỏi hàm. Nếu chân răng được cắm hoặc trồng lại ngay vào xương hàm (reimplantation) trong khoảng thời gian từ 15-30 phút sau khi tai nạn xảy ra, thì hy vọng chân răng đó còn dùng lại được. Thông thường những chân răng này rốt cuộc cũng phải bị rút tủy vì đường tủy dần dần bị hủy hoại theo thời gian. Lưu ý: Khi toàn thân răng bị rớt trên mặt đường bụi cát, xin quí vị nên nhớ rửa sạch chân răng trong nước trước khi cắm lại vào trong ổ xương, để phòng sự nhiễm trùng. Nếu quí vị không thấy thoải mái trong việc làm này vì sợ sệt hoặc thấy máu me nhiều quá, thì nên dặn bệnh nhân ngậm chiếc răng đó trong miệng hoặc ngâm vào ly sữa tươi rồi lập tức chở người bệnh tới văn phòng nha sĩ để được điều trị.

H: Triệu chứng hoặc dấu hiệu khi tủy răng bị hư hoại?

Đáp: Nếu đường tủy bị nhiễm trùng, thoạt đầu chúng ta có thể không cảm thấy đau đớn gì cả. Nhưng nếu không được chữa trị, sự nhiễm trùng sẽ đưa đến những cơn đau nhức liên tục. Trong vài trường hợp, vết ung nhọt (abscess) có thể cấu tạo. Cuối cùng răng có thể phải bị nhổ đi. Những dấu hiệu chúng ta nên để ý:
Răng bị đau dữ dội khi đụng/chạm vào [pain to touch]
Nhạy cảm/ê răng khi ăn uống thực phẩm có nhiệt độ nóng lạnh [sensitivity to hot/cold]. Cơn buốt này kéo dài liên tục trong vài giờ.
Buốt răng khi thay đổi vị trí nằm hoặc ngồi [pain upon postural changes]
Ê răng liên lỉ [lingering pain]
Bọng mủ nổi lên trên nướu răng [fistula, sinus tract]
Mặt bị sưng - gần vùng răng bị hư hoại [facial swelling]
Màu răng thâm đen, không nhất thiết đi đôi với sự đau đớn [discolored tooth]

H: Để xác định nên rút tủy hay không, nha sĩ phải làm những gì?
Đáp: Quan trọng nhất là thu thập dữ kiện từ bệnh nhân [subjective assessment], như thời gian đau đớn, ê răng kéo dài trong bao lâu, đau trong lúc nhai cắn, cơn sốt, tai nạn, v.v...
Phần thử nghiệm [objective assessment] gồm có chụp hình quang tuyến X-ray chân răng bị đau và những chiếc răng lân cận, gõ nhẹ trên mặt răng [percussion], hoặc đặt một miếng đá lạnh trên mặt răng [Ice test] để tái diễn lại sự nhậy cảm của tủy răng. Thỉnh thoảng người nha sĩ cần dùng tới máy phát điện để thử nghiệm tủy răng [electric pulp tester]. Máy này tạo nên một luồng điện nhỏ vào trong răng để giúp người nha sĩ nhận biết tủy răng có bị viêm hoặc nhiễm trùng không. Phương pháp thử nghiệm này không làm bệnh nhân đau đớn hoặc cảm thấy sốc, ngoại trừ cảm giác rêm rêm trong răng và cảm giác này không còn sau khi luồng điện được tắt đi. CHÚ Ý: Không nên áp dụng máy phát điện thử nghiệm tủy răng trên những bệnh nhân đang đeo máy trợ tim [heart pacemaker] hoặc những hệ thống hồi sinh điện tử [life support system].

H: Cách thức lấy gân máu như thế nào?

Đáp: Trong cách chữa trị này, mặt nhai của răng sẽ được khoan thủng một lỗ từ trên đi dần xuống lớp tủy [Hình C]. Sau khi tìm được đường tủy thì mỗi đường ống tủy sẽ được đo lường cẩn thận để biết chiều dài của mỗi chân răng. Thông thường, nha sĩ sẽ phải dùng X-ray để xác định rõ chiều dài hoặc dùng một dụng cụ bằng điện để tìm thấy chiều dài đường tủy (apex locator). Nếu giai đoạn này không được xác định vững chắc, thì nha sĩ có thể rút không hết tủy vì kim quá ngắn hoặc đâm thủng xuyên vào xương hàm vì kim giũa quá sâu. Sau khi đã biết kích thước rồi thì người nha sĩ sẽ bắt đầu dùng kim giũa và rửa sạch lồng chân răng [Hình D]. Cuối cùng lồng tủy được lấp bằng một loại cao su nhân tạo (gutta percha) [Hình E]. Lỗ khoan sẽ được lấp tạm đi trong khoảng thời gian ngắn. Nếu răng không còn gây phiền toái hoặc đau đớn nữa thì mặt răng sẽ được trám lại bằng một phương cách vĩnh viễn (permanent restoration).
 
H: Thời gian rút tủy là bao lâu? Mất bao nhiêu lần hẹn?

Đáp: Tùy theo sự cấu tạo [anatomy] và phức tạp [complexity] của mỗi chân răng. Tỉ dụ chiếc răng cửa chỉ có 1 ống tủy [canal] ngay thẳng thì có thể làm xong trong 15- 20 phút. Cùng loại răng cửa nhưng đường ống tủy có thể bị hóa vôi [calcified canal] hoặc quanh co thì có thể phải mất tới 45 - 60 phút và cần phải thận trọng hơn để phòng những sự rủi ro. Càng về phía sau hàm, thì chân răng càng nhiều (2 tới 4 chân răng) và có nhiều đường ống tủy hơn [Hình F & G]. Răng hàm ở trên thông thường có 3 chân nhưng tới 3-4 ống tủy thì thời gian tốn phí có thể lên tới 60 - 90 phút hoặc 2, 3 lần hẹn mới xong. Điểm thứ hai dựa trên khả năng và kinh nghiệm hành nghề [practical experience] của nha sĩ. Những nha sĩ chuyên khoa về ngành rút tủy có thể làm nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn vì đây là công việc hàng ngày của họ.
    
H: Có cần phải uống thuốc trụ sinh (antibiotics) trước hoặc sau khi rút tủy không?
Đáp: Một vài trường hợp bệnh nhân cần phải uống thuốc trụ sinh trước khi đi chữa răng như những người có khớp xương nhân tạo [artificial joints], valve tim bị hở [mitral valve prolapse], hệ thống kháng sinh yếu kém [weak immune system] v.v... Họ chỉ cần uống một liều thuốc trụ sinh ấn định do Hội Đồng chuyên khoa về tim Hoa Kỳ [American Heart Association] đã đề ra rõ ràng. Nếu bị sưng hoặc lên cơn sốt thì lúc đó bệnh nhân mới cần phải uống thuốc trụ sinh từ 7 đến 10 ngày. Bệnh nhân nên hỏi và nghe lời chỉ dẫn của những bác sĩ/nha sĩ để đề phòng những việc xui xẻo bất ngờ xảy đến.

H: Sau khi răng đã được rút tủy rồi thì nên làm gì?

Đáp:Răng đã rút tủy rồi thì được ví như chiếc bình sành rỗng hoặc cành cây khô. Vì răng không còn mạch máu dinh dưỡng nữa và chất lượng nước trong răng bị giảm thiểu, răng sẽ trở nên dòn và dễ bị rạn nứt hoặc gãy khi cắn phải một vật quá cứng. Nếu lỗ trên mặt răng được khoan nhỏ thì mặt răng sẽ được trám kín bằng chất nhựa resin trắng hoặc bằng chất chì amalgam. Trong trường hợp răng bị sâu quá lớn hay bị vỡ nhiều, thì mặt răng cần được bọc lại (crowns) để tránh bị bể hoặc gãy đôi. Hầu hết các nha sĩ đều khuyên nên bọc răng lại sau khi được rút tủy.

H: Sau khi đã được rút gân máu rồi thì chiếc răng đó có còn gây phiền toái cho chúng ta nữa không?

Đáp: Bình thường thì không có cảm giác gì. Nhưng sau vài tuần nếu thấy răng không được yên ổn, còn đau nhức và nhai cắn khó chịu thì chúng ta nên trở lại cho nha sĩ tái khám.
Nên nhớ, mặc dù đã rút tủy rồi răng vẫn có thể bị sâu lại vì sự sâu răng chỉ là hiện tượng răng bị rã do vi trùng gây nên. Nhiều bệnh nhân tỏ ra ngạc nhiên khi được biết răng đã lấy tủy máu rồi mà vẫn còn bị sâu. Sự khác biệt là răng sẽ không bị đau nhức. Nhưng nếu răng không được coi khám kỹ lưỡng, thì chiếc răng rút tủy đó cũng có thể phải nhổ đi vì vết sâu quá to đến nỗi không còn chữa trị được nữa.

H: Những biến chứng nào có thể xảy ra trong việc rút tủy?

Đáp: 1) Vi trùng bị đẩy ra khỏi phạm vi của đường tủy. Thỉnh thoảng khi đi rút tủy thì những vi trùng đã nằm sẵn trong hệ thống đường tủy [pulpal system] có thể bị đẩy ra ngoài vùng chân răng. Trong trường hợp này, những tế bào chung quanh chân răng bị viêm và có thể đưa tới sự nhiễm trùng. Thông thường nha sĩ sẽ biên toa thuốc chống đau nhức [analgesics] và thuốc trụ sinh [antibiotics] để bệnh nhân uống trong vài ngày đầu.
2) Kim mài giũa bị gẫy trong ống tủy [broken instruments]. Tình trạng này không gây ảnh hưởng gì tới bệnh nhân. Nếu lấy được kim gẫy ra thì tốt; nếu không thì công việc rút tủy đường ống đó sẽ có thể không hoàn tất hoặc không được hoàn hảo. Trong trường hợp này, nha sĩ có trách nhiệm phải nói với bệnh nhân trường hợp gẫy kim xảy ra trong lúc rút tủy để tránh sự bất ngờ hoặc phiền toái trong tương lai.
3) Đường ống tủy bị bỏ sót (missed canal) hoặc rút không sạch (unfinished). Sự xác định vị trí của đường ống tủy nhiều khi rất khó. Nhiều văn phòng nha sĩ chuyên khoa rút tủy được trang bị với những máy kính hiển vi [operating microscope] dùng trong những trường hợp khó khăn, để tìm ra những đường ống tủy nhỏ li ti. Nếu không tìm hết những đường dẫn tủy hoặc giũa không sạch, thì chiếc răng đó vẫn có thể ở vào tình trạng nhiễm trùng và bệnh nhân vẫn bị đau sau khi đã được rút tủy lần đầu. Nha sĩ lúc đó bắt buộc phải mở ra làm lại hoặc phải gửi đi cho những nha sĩ chuyên khoa để được chữa trị.
 4) Đường ống tủy bị đâm thủng [perforation] bởi những dụng cụ hay kim giũa dùng trong lúc rút tủy. Tình trạng này dễ xảy ra nếu đường ống tủy quanh co hoặc bị hoá vôi [calcified canal]. Nói chung khi răng bị đâm thủng thì đây là chỗ vi trùng sẽ xâm nhập vào ống tủy qua đường nước miếng đưa đến sự nhiễm trùng hoặc bị viêm mô xương làm cho bệnh nhân đau đớn. Phương cách chữa trị tùy theo chỗ bị thủng- ở đầu, ngang chân hoặc cuối đuôi/gốc răng. Nếu lỗ thủng lớn nằm ngang hoặc bên hông và gần trên mặt nướu răng, thì có thể không cứu vãn được và răng có thể sẽ bị nhổ. Nếu lỗ thủng nằm gần đuôi răng, việc này chữa trị bằng cách cho toa thuốc giảm đau hoặc bằng thuốc trụ sinh trong vòng 10 ngày. Đây cũng là trường hợp nha sĩ nên thông báo cho bệnh nhân biết sự việc đã xảy ra để tránh sự phiền toái trong tương lai.
5) Chất trám cao su hoặc xi-măng bị chảy ra ngoài chân răng [overextension of gutta percha or cement material]. Nếu kích thước chân răng không được xác định trong lúc mài giũa thì chất trám đường tủy (cao su lỏng gutta percha hoặc chất cement) có thể bị đẩy ra ngoài quá mức khỏi phạm vi chân răng. Nếu trường hợp này xảy ra, thì các ngoại chất này có thể dẫn tới trường hợp nhiễm trùng và hủy hoại vùng xương chung quanh chân răng.

H: Nếu răng đã được rút gân máu 1 lần mà bị sưng và đau lại thì phải làm sao? Những nguy hiểm và lợi hại trong việc phải làm lại chiếc răng này?

Đáp: Nếu răng đã được rút gân máu 1 lần mà bây giờ lại sưng và đau lại thì chúng ta nên tìm tới nha sĩ chuyên khoa [Endodontist] để tham khảo ý kiến và tìm ra đúng nguồn gốc gây ra sự đau đớn này, vì một trong những lý do đã được nêu trên. Nói chung, đây là trường hợp chiếc răng bị tái nhiễm (re-infection), có thể gây ra cơn đau nhức, sưng phình và lên cơn sốt. Một lý do thông thường khác có thể xảy ra là người bệnh chưa kịp làm chiếc mão răng (crown) sau khi rút tủy để bảo vệ mặt răng khi nhai cắn những vật cứng và đã đưa tới tình trạng răng bị nứt đôi. Khi tình trạng răng đã bị nứt hoặc gãy đôi thì chiếc răng đó có thể phải bị nhổ đi!
Trong trường hợp ‘tái điều trị’ [retreatment] những chân răng đã được rút tủy 1 lần rồi thì công việc còn khó hơn nữa vì nhiều chiếc răng cũ này đã được đóng cốt (post & core) hoặc đã có mão răng (crown) bao bọc chung quanh bít kín phần mặt răng. Lúc đó, nha sĩ phải khoan qua chiếc mão răng đó hoặc phá nó đi để vào tới đường tủy. Nếu xương chung quanh chân răng bị phá hủy, thì nha sĩ có thể phải giải phẫu để nạo đi hết các tế bào hư hoại (necrotic) và cắt đi vài millimeters gốc răng bị hư thối (apicoectomy) rồi sau đó đắp xương lại. Trong những trường hợp khó khăn này, người bệnh nhân phải trả thêm nhiều tiền hơn vì tình trạng phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn để chữa trị.


Kết Luận:

Hy vọng bài viết này giúp quý vị hiểu rõ thêm về việc rút tủy răng. Với những kỹ thuật tối tân hiện tại, công việc rút tủy răng được làm rất nhanh chóng, nhẹ nhàng và không đau đớn gì cả. Tác giả mong ước bài viết này sẽ giúp cho nhiều người hiểu biết tầm quan trọng để giữ lại một chân răng. Nếu muốn tránh công việc rút tủy, chúng ta nên giữ gìn bộ răng của mình bằng cách chải răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày, nhất là sau khi mỗi bữa ăn. Nên dành thời giờ đi khám răng thường xuyên 1-2 lần mỗi năm. Khi răng đã có những dấu hiệu đau hoặc nhạy cảm thì nên tìm tới văn phòng nha sĩ để được chữa trị sớm và kịp thời.

-------------------------
Tài Liệu Tham Khảo:

Restoration of Endodontically Treated Teeth. The Endodontist’s Perspective, Part 1. American Association of Endodontists. Spring/Summer 2004.
Kratchman, Sam. Getting to the Root of Root Canals. www.intelihealth.com. November 20, 2001.
Myths about Root Canal Treatment. December 18, 2000. The University of Pennsylvania School of Dental Medicine.
www.intelihealth.com.
4. Nguyễn Thu Tâm. Lấy Gân Máu. Sống Mạnh. Page 18, 32.