Dân Chúa Âu Châu

Tuy bệnh dội ngược bao tử-thực quản (gastro-esophageal reflux disease,  hay viết tắt là GERD) rất hay xẩy ra, song nhiều  người chúng ta còn mơ hồ về căn bệnh.

Thường khi có triệu chứng ở vùng bụng trên, chúng ta chỉ kể một cách giản dị: tôi bị bệnh bao tử, hoặc "yếu" bao tử. Thực ra, có nhiều loại bệnh bao tử khác nhau: bệnh dội ngược bao tử-thực quản, bệnh loét bao tử, loét tá tràng, bệnh đau song không có vết loét (nonulcer dyspepsia), bệnh ung thư bao tử,... Việc chữa trị, tất nhiên, tùy vào sự định bệnh, vì có thể khác biệt rất xa.

Thức ăn sau khi ta nhai nát trong miệng được đẩy vào họng, và xuống thực quản (esophagus) lúc ta nuốt. Thực quản là một ống cấu tạo bởi những bắp thịt đặc biệt, giữ nhiệm vụ dẫn thức ăn xuống bao tử (stomach). Ở chỗ tiếp nối giữa thực quản và bao tử, có một bắp thịt nhỏ, hoạt động như một van đóng lại mở ra.
Khi thức ăn đang từ thực quản xuống bao tử, bắp thịt này mở lỏng ra để thức ăn đi xuống. Khi thức ăn đã trong bao tử, bắp thịt này khép kín để thức ăn không đi ngược lên lại thực quản. Nếu vì một hay nhiều lý do sẽ được thảo luận ở một đoạn sau, có sự dội ngược các chất ở trong bao tử lên lại thực quản, hay cao hơn nữa, lên đến cổ họng, ta sẽ có triệu chứng của bệnh dội ngược bao tử-thực quản.

Triệu chứng

Triệu chứng của bệnh rất đa dạng. Triệu chứng hay xẩy ra nhất là nóng ngực (tiếng Mỹ nôm na là heartburn (nóng tim), nhưng trong Việt ngữ, chúng ta dùng chữ "nóng ngực" chính xác hơn). Nóng ngực thường xẩy ra sau khi ăn. Người bệnh có cảm giác nóng ở vùng bụng trên hay ở vùng giữa ngực đằng sau xương ức. Cảm giác nóng có thể lan lên đến vùng cổ họng. Các triệu chứng điển hình khác của bệnh: ợ hơi, ợ chua, hoặc ợ cả thức ăn lên miệng, khó nuốt thức ăn.
Bệnh dội ngược bao tử-thực quản kinh niên cũng gây những triệu chứng khác như khan tiếng (nhất là vào buổi sáng). Ngoài ra, bệnh còn làm đau hoặc khó chịu cổ họng hoài, khò khè ban đêm. Có khảo cứu cho thấy, hơn 80% người lớn bị suyễn có những dội ngược bất thường từ bao tử lên thực quản. Nhiều vị ho tháng này qua năm khác, chỉ vì bị bệnh dội ngược bao tử-thực quản. Quan trọng hơn nữa, bệnh có thể gây triệu chứng đau ngực rất khó phân biệt với cơn đau ngực do bệnh hẹp tắc động mạch vành tim (coronary artery disease). Định bệnh trong trường hợp này cần sự hỏi bệnh tỉ mỉ, đôi khi cần phải làm thêm các phim chụp hoặc thử nghiệm, đo tim đặc biệt.
Do sự đa dạng của các triệu chứng, và, trong nhiều trường hợp, vì có triệu chứng nhẹ, nhiều người bệnh không đi khám bác sĩ, nên rất khó xác định bệnh xẩy ra nhiều đến mức độ nào.

Tại sao lại thế?

Bình thường, trong lúc ta ăn uống, thế nào cũng có chút nước bao tử dội ngược lên phần thực quản tiếp giáp với bao tử. Điều này bình thường vì khi ta ăn, bắp thịt nhỏ giữa thực quản và bao tử đóng mở liên tục, một ít nước bao tử dội ngược lên thực quản là điều khó tránh. Thỉnh thoảng, trong lúc ăn, ta có thể thấy hơi nong nóng vùng ức. Triệu chứng này thường chỉ thoáng qua, do khi thực quản tiếp tục co bóp để đưa thức ăn xuống bao tử, đưa luôn cả những nước bao tử đi ngược đường xuống trở lại bao tử, mặt khác, nước miếng của ta đi theo thức ăn xuống thực quản, cũng sẽ trung hòa được một phần chất acid có trong chất nước bao tử dội lên thực quản. Tuy nhiên, khi sự dội ngược xẩy ra nhiều hoặc thường xuyên, cái bình thường trở thành bất thường, nhẹ hay nặng tùy mức độ dội ngược ít hay nhiều.
Nghiên cứu cơ chế của sự dội ngược bao tử-thực quản, người ta nhận thấy muốn có sự dội ngược, có hai điều kiện cần hội đủ: các chất trong bao tử dội ngược lên, và cơ chế chống dội ngược bị xáo trộn.

- Các chất trong bao tử dễ dội ngược lên thực quản:
Các chất chứa trong bao tử dễ dội ngược lên thực quản khi khối lượng trong lòng bao tử tăng lên (như sau khi ta ăn no).
Các chất trong bao tử cũng dễ dội ngược, khi ở quá gần chỗ tiếp giáp bao tử và thực quản. Như khi ta vào giường ngay sau khi ăn, bao thử ở vị trí nằm ngang, khiến các chất chứa trong bao tử dễ lên lại chỗ nối bao tử-thực quản (gastroesophageal junction), và dội lên thực quản.
Khi áp suất trong lòng bao tử tăng cao (như khi ta béo mập, có thai, hoặc đeo giây lưng thắt hơi chặt), các chất chứa trong bao tử cũng dễ bị đẩy ngược lên phía thực quản.

- Cơ chế chống dội ngược bị xáo trộn: Như chúng ta đã biết, ở chỗ tiếp giáp giữa thực quản và bao tử, có một bắp thịt đặc biệt (sphincter), hoạt động như một van đóng lại mở ra. Khi thức ăn đang xuống bao tử, bắp thịt này lỏng ra để thức ăn đi xuống. Khi thức ăn đã vào hẳn bao tử, bắp thịt này khép kín để thức ăn và các chất trong bao tử không dội ngược được lên thực quản. Có sự dội ngược khi bắp thịt van đóng mở ấy bị yếu, không thường xuyên khép chặt.
Bắp thịt van yếu trong trường hợp ta bị những bệnh tấn công các bắp thịt, mang thai, hút thuốc lá, giải phẫu trong quá khứ làm hư hoại bắp thịt van,... Một số thuốc như thuốc chữa cao áp huyết (Procardia, Adalat, Verapamil,...), thuốc suyễn (Theo-dur, Slo-bid,...) cũng làm bắp thịt van yếu đi. Hoặc ngược lại, dù bắp thịt này làm việc bình thường, nhưng khi áp suất trong bao tử tăng cao (béo mập, ăn quá no,...), quá sức chịu đựng của bắp thịt van, bắp thịt van khép không được kín, lúc đó cũng có sự dội ngược.

Biến chứng

Ngoài những triệu chứng khó chịu chúng ta đã có dịp tìm hiểu ở một đoạn trên, bệnh dội ngược bao tử-thực quản còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Trong các chất dội ngược từ bao tử lên thực quản, có các chất hóa học, trong đó chất acid (tiết bởi các tế bào lót thành bao tử) là chất quan trọng nhất gây biến chứng.
Chất acid, khi dội ngược lên thực quản lâu ngày, có thể làm hư hoại niêm mạc của phần thực quản tiếp giáp với bao tử, gây bệnh viêm thực quản (esophagitis). Chỗ thực quản bị viêm kinh niên sau này có khi sẽ hẹp lại (stricture) gây khó nuốt, vì trên đường từ thực quản xuống dạ dày, thức ăn đi qua một chỗ hẹp, sẽ len lách xuống khó khăn hơn. Hẹp thực quản được chữa bằng cách nông chỗ hẹp với những dụng cụ y khoa đặc biệt, hoặc bằng giải phẫu.
Tuy nhiên, biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh dội ngược bao tử-thực quản là ung thư thực quản, một trong những ung thư nguy hiểm và khó chữa. Những tế bào bình thường của thực quản, phải thường xuyên tiếp xúc với chất acid, bị chất acid biến đổi, lâu ngày có thể biến thành tế bào ung thư.
Bài kỳ sau, chúng ta sẽ bàn đến việc làm thế nào để định ra và chữa trị bệnh dội ngược bao tử-thực quản. TAGS: Dội ngược bao tử-thực quản (Gastro-esophageal reflux disease, GERD).

Định bệnh

Như tất cả mọi tật bệnh khác trong y học, định ra bệnh dội ngược bao tử-thực quản dựa vào bệnh sử, thăm khám và các phương pháp khác như phim chụp, soi thực quản và bao tử,...
Bao giờ phần bệnh sử (phần bạn kể bệnh) cũng là phần quan trọng nhất. Vì lời kể của bạn là đầu mối bác sĩ dựa vào để suy luận và định bệnh. Giúp bác sĩ mau chóng định bệnh, bạn cần kể bệnh mạch lạc, có đầu có đuôi, và đầy đủ các chi tiết cần thiết. "Bao tử tôi hay bị yếu khi ăn đồ nóng, hoặc "Tôi hay bị đầy hơi khi ăn đồ nóng", rồi... cười, không đủ để bác sĩ định xem bạn bị: bệnh dội ngược bao tử-thực quản, bệnh loét bao tử, bệnh loét tá tràng, bệnh đau nhưng không có loét (nonulcer dyspepsia), hay bệnh ung thư bao tử,... Hoặc bạn thực ra bị bệnh hẹp tắc động mạch vành tim (coronary artery disease), và đầy hơi ở đây là một triệu chứng đau ngực trá hình (atypical chest pain) của loại bệnh nguy hiểm này.
Vậy, khi kể bệnh cho bác sĩ nghe, bạn nên kể theo thứ tự thời gian, dùng con số để diễn tả và lần lượt đi qua 8 điểm sau đây:

1. Bạn bị đau hay có triệu chứng bất thường từ bao lâu nay (how long): mới vài ngày qua, một tuần qua, vài tháng qua, hay đã nhiều năm,...? (không nên dùng những chữ mơ hồ như "lâu rồi", "mới đây").

2. Bao lâu triệu chứng bất thường xẩy ra một lần (how often): mấy lần mỗi ngày, hay mấy lần mỗi tuần? hay chỉ thỉnh thoảng vài lần một năm,...?

3. Mỗi khi bạn có triệu chứng bất thường, triệu chứng kéo dài bao lâu (how long does it last): vài giây, vài phút, vài tiếng, cả ngày, liên tiếp vài ngày,...?

4. Triệu chứng bất thường xẩy ra trong trường hợp nào (in what circumstance does it occur): ngày hay đêm? lúc đang hoạt động hay nghỉ ngơi? sau khi ăn? mấy tiếng sau khi ăn? Triệu chứng xẩy ra sau khi ăn một thức ăn đặc biệt nào? (Chúng ta hay dùng chữ "đồ nóng" một cách mơ hồ để chỉ một số những thức ăn. Y học Mỹ chỉ dùng khái niệm nóng lạnh để nói về nhiệt độ. Nên diễn tả một cách chính xác: "Tôi bị đầy hơi ở vùng bụng trên mỗi khi ăn thức ăn có mỡ, có ớt, hay khi uống nước cam chua,..." thay vì: "Tôi bị đầy hơi mỗi khi ăn đồ nóng", kẻo bị bác sĩ Mỹ, qua thông dịch, hiểu lầm là bạn có triệu chứng mỗi khi ăn thức ăn nóng nấu trên bếp.)

5. Triệu chứng bất thường hay đau đích xác ở đâu và có lan truyền đi chỗ khác hay không (where is it): nếu có thể được, bạn chỉ chỗ có triệu chứng bất thường hay bị đau bằng một ngón tay.

6. Đau ra sao (how is the pain): đau như dao đâm? đau như lửa đốt? đau như có vật nặng đè?

7. Các triệu chứng bất thường khác đi kèm khi bị đau (what are the associated symptoms): khi bị đau, bạn có bị khó thở, choáng váng, toát mồ hôi, buồn nôn hay ói mửa? hoặc bất cứ triệu chứng gì khác đi kèm khi đang bị đau?

8. Khi có triệu chứng bất thường hay bị đau như bạn vừa kể trên, bạn làm gì cho dễ chịu hơn (what do you do to get relief?): bạn phải ngồi hoặc nằm nghỉ hay vẫn có thể tiếp tục làm việc, hoặc phải đi đi lại lại cho bớt đau. Khi bị đau, bạn hay dùng thuốc gì ở nhà để chữa đau (Aspirin, Tylenol, Maalox, Mylanta,...) và kết quả ra sao?
Bạn cũng đừng quên mang theo tất cả những thuốc men đang dùng ở nhà đến cho bác sĩ xem, kể cả những thuốc mua không cần toa. Điều này vô cùng quan trọng, giúp vào sự định bệnh rất nhiều. Vì nhiều thuốc có thể gây đầy hơi, khó chịu, hoặc đau vùng bụng trên. Thí dụ những thuốc chống đau như Motrin, Advil, Naproxen,.. những thuốc có chứa chất Aspirin như Anacin, Alka-Selzer. Biết bạn đang dùng thuốc gì, bác sĩ có thể đoán biết các bệnh bạn đang bị, hoặc triệu chứng bạn đang có có phải do thuốc gây ra hay không. Nếu nghi triệu chứng do thuốc gây ra, cùng với sự chữa trị bằng các thuốc bao tử, bác sĩ còn khuyên bạn nên ngưng thuốc nghi gây triệu chứng. Sự thăm khám trong trường hợp bệnh dội ngược bao tử-thực quản thường không cho thấy gì đặc biệt. Một đôi khi, bạn thấy vùng bụng trên khó chịu, hay hơi đau khi vùng này được bác sĩ sờ nắn. Sau phần bệnh sử và thăm khám, nếu định bệnh đã khá rõ (người bệnh khéo kể bệnh, có các triệu chứng điển hình của bệnh, thăm khám không cho thấy có bệnh gì khác), bác sĩ thường bắt đầu chữa cho bạn ngay. Nếu chưa có định bệnh rõ rệt, hoặc khi sự chữa trị không cho những kết quả mong muốn, bác sĩ có thể sẽ cho bạn chụp phim hoặc soi thực quản và bao tử, để xác định xem có đúng bạn bị bệnh dội ngược bao tử-thực quản hay không.
Các cách chẩn đoán khác như: theo dõi sự chuyển động của thực quản, đồng thời đo nồng độ acid (pH monitoring) trong lòng thực quản, cũng có khi được xử dụng để định bệnh.

Chữa không dùng thuốc

Sự chữa trị bệnh dội ngược bao tử-thực quản nhắm bốn mục tiêu: làm giảm sự dội ngược, trung hòa các chất dội lên từ bao tử, giúp các chất dội lên mau xuống lại bao tử, và bảo vệ niêm mạc thực quản trước tác dụng độc hại của các chất dội lên.
Để đạt được các mục tiêu trên, có nhiều cách chữa trị riêng rẽ hay phối hợp. Đầu tiên, chúng ta bàn đến những phương cách chữa trị không dùng thuốc.

Nếu nặng cân, chúng ta nên xuống cân.

- Khi ngủ, nên nằm với tư thế đầu và ngực cao hơn bụng, bằng cách kê đầu giường cao lên 4-6 inches (chèn gỗ hoặc vật cứng dưới đầu giường).

- Nên mặc quần áo rộng rãi không thắt chặt làm tăng áp suất trong bụng.

- Tránh một vài loại thực phẩm như thức ăn mỡ màng, chocolate, peppermint, vì chúng làm lỏng bắp thịt van giữa thực quản và bao tử. Uống nhiều rượu cũng vậy. Ngoài ra, chúng ta cũng nên tránh các thức ăn thức uống biết chắc cứ mỗi khi dùng lại khiến chúng ta có triệu chứng, chẳng hạn những thức uống chứa nhiều chất acid như colas, nước cam, rượu vang đỏ (red wine).

- Tránh ăn quá no, tránh uống nhiều nước trong lúc ăn.

- Trong vòng 2-3 tiếng sau khi ăn, không nên đi nằm ngay, và nên tránh ăn trước khi đi ngủ.

- Bỏ hút thuốc lá và bớt uống rượu. Nước miếng trong miệng ta có tác dụng tốt, làm trung hòa chất acid dội lên thực quả từ bao tử, thuốc lá khiến nước miếng bớt tiết ra.

- Nhai kẹo chewing gum cũng tốt, vì khi nhai chewing gum, nước miếng trong miệng chúng ta sẽ tiết ra nhiều.

Chữa với thuốc

Triệu chứng nhẹ, thỉnh thoảng nóng ngực chút sau khi ăn dù đã thực thi những cách chữa không dùng thuốc kể trên, ta chỉ cần dùng các thuốc có tác dụng trung hòa acid (antacids) như Maalox, Mylanta, Gaviscon,… vào lúc có triệu chứng.
Khi triệu chứng xẩy ra thường hơn, ta dùng những thuốc làm bao tử bớt tiết chất acid như Tagamet, Zantac, Pepcid,...
Triệu chứng nặng hơn nữa và dùng những thuốc trên không kết quả, chúng ta dùng những thuốc như Omeprazole, Prilosec, Prevacid, … có tác dụng chống tiết chất acid trong bao tử rất mạnh. Những thuốc này mắc hơn nhiều, và có thể gây một số tác dụng phụ quan trọng nếu dùng dài lâu, như gẫy xương, cơ thể thiếu sinh tố B12, thiếu muối Magnesium, … Sau một thời gian dùng thuốc, khi triệu chứng đã thuyên giảm nhiều, chúng ta nên ngưng thuốc, hoặc chuyển qua những thuốc nhẹ hơn Tagamet, Zantac, Pepcid.

Với những trường hợp nặng, thường sự chữa trị kéo dài vài tháng, có khi cả năm.

Giải phẫu

Một số trường hợp bệnh dội ngược bao tử-thực quản cần đến giải phẫu, vì dùng thuốc tối đa không kết quả, triệu chứng vẫn làm cuộc sống người bệnh mất vui, hoặc vì những lý do khác như dùng thuốc lâu quá năm này sang năm khác có thể đưa đến những vấn đề không tốt do tác dụng phụ của thuốc, v.v..
Có nhiều kỹ thuật giải phẫu khác nhau, giúp bắp thịt van giữa thực quản và bao tử chắc hơn, làm việc hữu hiệu hơn, khiến các thức trong bao tử bớt dội lên thực quản.
Tóm lại, bệnh dội ngược bao tử thực quản xẩy ra nhiều, có trường hợp nhẹ, có trường hợp nặng. Nhẹ, chúng ta chữa bằng những cách giản dị, xuống cân, nằm ngủ đầu và ngực cao hơn bụng, tránh một số thực phẩm, bỏ thuốc lá, bớt uống rượu,… và thỉnh thoảng triệu chứng xẩy ra, dùng những thuốc như Maalox, Mylanta, Gaviscon, Tagamet, Zantac, Pepcid. Nặng, chúng ta cần thuốc mạnh hơn như các thuốc Omeprazole, Prilosec, Prevacid, …, những thuốc này mắc hơn và có thể gây một số vấn đề cho cơ thể nếu dùng dài lâu. Khi bệnh nặng quá, dùng thuốc không kết quả, hoặc phải dùng thuốc dài lâu vừa tốn kém vừa sợ tác dụng phụ của thuốc, chúng ta cần đến giải phẫu.