Dân Chúa Âu Châu

Kính gởi bác sĩ Nguyễn Ý Đức,

tôi tên là Ninh H Vi ở Sugar Lane, Texas.

Hôm trước tôi có hỏi bác sĩ về chứng mất ngủ. Được bác sĩ giải đáp chu đáo, tận tình. Tôi áp dụng một số điều chưa biết và quả là có kết quả. Chẳng hạn thay vì nằm nướng thì tôi xuống giường uống sữa nóng và làm lặt vặt. Giấc ngủ tìm lại dễ dàng hơn. Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

Tôi có một thắc mắc khác, là gần đây các khớp xương đầu gối hơi đau đau. Đi lên cầu thang hay bước lên xe cũng phải chùng người xuống xong mới trở lại bình thường. Tôi "nghi" là bị lão hoá khớp xương. Nếu vậy thì hơi sớm với tôi (54 tuổi). Các người quen tôi có người 70 vẫn chạy nhảy ào ào.

Nếu muốn khớp xương cứng mạnh hơn tôi có cần uống thêm calcium bán ở các hiệu thuốc tây không hay là cảm giác này do ảnh hưởng bởi thời tiết đang thay đổi mùa.

Bác sĩ cho tôi lời khuyên là tôi cần bổ sung chất xương hay chờ xem thời tiết ổn định hơn?

Chào bà Ninh

Các cụ ta vẫn nói "Ăn được ngủ được là tiên".

Xin mừng bà đang là "Tiên" một nửa. Tiên ½ vì bây giờ do áp dụng vài mẹo vặt mà tôi đề nghị, bà đã có giấc ngủ dễ dàng hơn. Mai đây, khi mà bà "Ăn được" ngon lành thì bà sẽ là tiên 100% rồi đấy nhỉ?!. Lúc đó xin nhớ tới chúng tôi cũng như độc giả ở dưới trần thế này nhé.

Hôm nay bà lại nêu ra vài thắc mắc khác về "khớp xương đầu gối hơi đau đau" mà bà nghi là bị "lão hóa" mấy khớp xương, và than là mới 54 tuổi khớp đã hóa già hơi sớm, chả bù với chúng bạn thất thập cổ lai hy mà vẫn còn chạy nhảy ào ào.

Vậy thì chúng tôi lại có dịp "tư vấn" với bà. Đây là nghề của tôi từ khi về hưu, gói ghém cất ống nghe ống chích vào kho đấy bà ạ.

Bà cho biết là mới tuổi 54 mà đã thoái hóa viêm khớp gối, phải chùng người xuống mỗi khi lên cầu thang hoặc xuống xe mới trở lại bình thường.

Thì xin thưa cùng bà là thực ra khớp đã bắt đầu thoái hóa ở tuổi sớm hơn rồi đấy. Theo cơ quan CDC Hoa Kỳ, từ tuổi 40, đã bắt đầu có những thay đổi trong cấu tạo của khớp. Sớm hơn nữa, từ 25 tuổi trở lên đã có 13% người nhen nhúm bị viêm khớp và từ 65 tuổi trở lên thì tỷ lệ bị bệnh khá cao, những 33%. Tức là 100 người thì 13 người bị viêm ở tuổi từ trên 25 và cứ 100 người ở tuổi trên 65 thì 33 người bị bệnh. Biết đâu bà đang ở trong nhóm thứ nhất này.

Ngoài ra cũng nên để ý là viêm khớp có thể không rõ nguyên nhân hoặc là hậu quả của những thương tích nặng nhẹ ở khớp, rối loạn nội tiết, chuyển hóa, bệnh thần kinh hoặc bẩm sinh.

Mấy người bạn thất thập của bà vẫn chạy nhẩy ào ào thì cũng chưa chắc là họ không bị viêm khớp. Có thể là họ bị viêm khớp nhưng đã áp dụng những phương thức trị bệnh khác nhau như vận động cơ thể, tiêu thụ đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh rủi ro gây bệnh, cho nên họ vẫn sinh hoạt bình thường. Cũng có thể là họ có tạng người tốt, có gen di truyền ngon lành từ cha mẹ, dòng họ.

Tiện thể cũng kể bà nghe là người quá ký là hay bị viêm khớp đầu gối lắm đấy, vì đầu gối liên tục chịu đựng một sức nặng quá mức. Rồi lại còn liên tục chấn thương vì thể thao quá mạnh, lao động chân tay quá mức, nâng nhấc vật quá nặng, lên gối xuống gối hơi nhiều hoặc khớp làm động tác nhắc đi nhắc lại như máy.

Quý bà thường nhiều rủi ro bị viêm khớp hơn quý ông. Tại Hoa Kỳ có khoảng 27 triệu người bị viêm khớp thì nữ giới chiếm 60%. Tại sao ư? Ít nhất có ba giải thích là do di truyền, cấu tạo sinh học và ảnh hưởng của hormon.

Theo bác sĩ Yusuf Yazici, đại học y Nữu Ước, con gái có mẹ bị viêm khớp thì hay bị bệnh này ở cùng tuổi và cùng loại khớp, đặc biệt là khớp bàn tay và đầu gối.

Các nhà nghiên cứu cho hay, hormon nữ estrogen bảo vệ sụn ở khớp, chống lại hiện tượng viêm. Vì thế, khi tới tuổi mãn kinh, ngoài 50, quý bà mất sự bảo vệ này, cho nên viêm khớp thường xảy ra.

Về cấu trúc sinh học, thì các nhà nghiên cứu nêu ra nhiều lý do. Cũng theo bác sĩ Yazici, thiên chức của quý bà là 9 tháng mang nặng đẻ đau cho nên hay bị viêm khớp. Bởi vì phải sanh đẻ cho nên gân cốt ở phần dưới cơ thể có đàn tính nhiều hơn ở đàn ông, khiến cho khớp dễ siêu vẹo với hậu quả là dễ bị tổn thương. Ông ta cũng giải thích thêm rằng bề ngang hông phụ nữ rộng hơn hai khớp đầu gối, khớp này không ở đường thẳng đứng như ở đàn ông, cho nên không vững chắc, dễ bị tổn thương. Một nghiên cứu khác cho hay, mỗi lần sanh là một lần tăng rủi ro bị viêm khớp gối và hông ở quý bà.

Bây giờ tới câu bà hỏi là "Nếu muốn khớp xương cứng mạnh hơn tôi có cần uống thêm calcium bán ở các hiệu thuốc tây không".

Tôi không biết bà đã đi khám bệnh chưa, đã chụp x-quang khớp đầu gối coi xem có bị viêm, đã đo bone density để coi mức độ đậm đặc của xương…Nếu đã đi rồi thì chắc là bà đang được bác sĩ hướng dẫn điều trị nếu các xét nghiệm bất thường, kể cả việc uống thêm calcium. Còn nếu chưa thì nên đi bác sĩ gia đình để được khám và làm các xét nghiệm định bệnh.

Còn việc dùng thêm calcium, thì tôi xin có ý kiến như sau.

Bình thường, ở người dưới 50 tuổi, cần khảng 1000 mg calcium mỗi ngày, còn ở người nhiều tuổi hơn cần khoảng 1200 mg/ngày. Nếu chúng ta tiêu thụ đầy đủ, cân bằng các chất dinh dưỡng thì ta đã có đủ số calcium này. Calcium có nhiều trong sữa, sữa chua, pho mát, cải bắp, broccoli, spinach, cauliflower, đậu, pumpkin.. hoặc trong nước uống có tăng cường calcium, trong cereal điểm tâm, bánh mì…Nếu không tiêu thụ đầy đủ thì cần bổ sung, dùng thêm calcium mua ở tiệm thuốc tây.

Cũng lưu ý bà là có nhiều loại calcium khác nhau mà 3 loại sau đây là thường dùng:

- Calcium citrate như Citrical, dễ được hấp thụ, hơi đắt mà lại có ít calcium.

- Calciun carbonate như Tums, Rolaid, rẻ tiền, nhiều calcium, phải uống khi ăn cơm hoặc uống ly nước có chất chua như nước cam, thường hay gây táo bón và gas.

- Calcium phosphate, rẻ tiền hơn, dễ hấp thụ, không gây táo bón vào gas.

Ngoài ra, cần:

- Đọc kỹ nhãn hiệu với phân lượng, cách dùng

- Uống làm nhiều liều lượng nhỏ trong ngày, vì cơ thể chỉ hấp thụ được 500 mg một lúc.

- Cần uống thêm sinh tố D vì cơ thể cần sinh tố này để có thể dùng calcium tốt hơn. Nên mua sản phẩm có cả 2 thành phần này.

- Không dùng calcium bổ sung quá 1200 mg/ngày ngoại trừ khi có ý kiến của bác sĩ hoặc nhà dinh dưỡng. Dùng trên 2500 mg/ngày có thể đưa tới tổn thương cho thận và làm giảm tiêu thụ sắt, kẽm, magnesium.

- Calcium và một vài loại dược phẩm như kháng sinh, hạ huyết áp, thuốc Fosamax, Bonniva có tác dụng qua lại với nhau, cho nên cần uống calci trước hoặc sau các loại dược phẩm này.

Còn chuyện thời tiết với viêm khớp. tôi xin bà cho "hưỡn" kỳ sau nói. Bài này hôm nay cũng dài rồi, để bà cũng như tôi đứng lên vươn vai, chim bay cò bay cho thư dãn cơ thể, bớt cứng khớp.

Vắn tắt đôi lời, hy vọng giải đáp thắc mắc của bà. Bà có thể vào trang web của tôi:

www.bsnguyenyduc.com để đọc thêm mấy bài về Viêm Khớp mà tôi post lên đó.

Chúc bà thân tâm thường an lạc

Video Sống Khỏe - Sống Vui:

www.erct.com/2-ThoVan/NguyeYDuc/00-Video-Menu.htm