Dân Chúa Âu Châu

LoewenzahnLệ Vũ quí mến,

Trong mục TBB trước đây có thắc mắc “Lấy nhau vì thương con có hạnh phúc không?”. Lệ Vũ đã giải đáp rất ngay thẳng, vị tha. Trường hợp của tôi cũng tương tự như vậy. Hoàn cảnh tôi bây giờ không phải là lấy, mà là sống với nhau cũng chỉ vì “tội con không cha”.

Vũ nói rất đúng lấy nhau và sống với nhau, trước hết vợ chồng phải kính nể nhau. Riêng tôi, lúc đầu tôi đã để chồng tôi muốn làm gì thì làm, muốn nói sao thì nói. Bây giờ lấy nhau đã 17 năm, ổng gần 50 tuổi đầu mà không có gì thay đổi cả! Tôi thấy rằng dù có học hay không, con người từ nhỏ tới lớn nếu có sự dạy dỗ của cha mẹ bao giờ cũng hơn. Có đúng vậy không Vũ? Phần chồng tôi, từ nhỏ tới lớn không sống gần cha mẹ và gia đình, nên không nhận được sự dạy dỗ và la mắng của ai, do đó đã quen lối sống như vậy. Ông muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi, muốn sỉ vả ai thì sỉ vả, muốn làm nhục tôi bất cứ lúc nào thì làm nhục. Mười mấy năm nay tôi chỉ được 3 lần ngồi nói chuyện với ổng, mà chỉ nói cái phải của ổng. Mỗi lần tôi mở miệng nói cái sai trái của ổng, tức thì ổng nói rằng: “Bà già tôi không nói được tôi, cô là gì mà dám nói tôi như thế?”. Lệ Vũ biết tôi trả lời sao không?- Tôi nói với ổng: “Tôi đồng ý, vì mẹ ổng không sống với ông, còn tôi là cái con sống với ông, chứ không phải mẹ ông”.

Bản tính con người không thể thay đổi được! Từ bé lớn lên làm sao, cho dù bây giờ có bao nhiêu tuổi, người ta vẫn mang bán tính xấu hay tốt đó, không thể thay đổi được. Chồng tôi có tính xấu và bướng. Một năm có hai dịp lễ lớn là lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh mà ổng không muốn tới nhà thờ nữa! Mẹ con tôi đi lễ, còn ổng ở nhà xem TV, xem lễ trên TV! Ông nói: “Tôi ở nhà cũng xem lễ, còn coi được cả Đức Giáo Hoàng dâng lễ nữa”. Tại sao phải đi nhà thờ làm gì? Thật ra gia đình chồng tôi đạo gốc, chỉ có một mình ổng là đạo nghĩa như vậy. Gần 50 tuổi đầu, hết 40 năm sống xa gia đình và xa nhà thờ. Mỗi lần con tôi xưng tội, Rước Lễ Lần Đầu hay chịu Phép Thêm Sức, ổng cũng không thèm đến nhà thờ tham dự để mừng cho con cái nữa! Thế nhưng ổng không bỏ sót cái Birthday Party nào của thiên hạ ngoài đường cả!

Gia đình ổng đã nhiều lần khuyên bảo ổng. Con tôi cũng hỏi ổng “Tại sao ba không đi lễ”. Ổng trả lời “Ba không giết người, không trộm cướp… nên ba không có tội”. Nhà thờ chỉ dành cho những người có tội mà thôi. Lệ Vũ nghe có được không? Mong Vũ cho một lời khuyên hay là tôi cứ tiếp tục sống cho con tôi?

Người Không May


Đáp: Người Đàn Bà Không May thân mến,

Trước hết, Lệ Vũ xin được chia sẻ cùng Bà về những điều “Không may” bà đã và đang phải đương đầu từ khi lập gia đình cho đến nay.

Trong thư bà không nòi rõ lý do và hoàn cảnh nào bả đã lập gia đình với ông nhà. Nhưng dựa trên những điều bà kể trong thư, hôn nhân của ông bà đã hỏng, trực trặc ngay từ căn bản..

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, theo Vũ mọi chuyện ở đời xẩy ra cho mình, không nhiều thì ít, mình đều có một phần trách nhiệm trong đó. Bà đả cho phép ông nhà có cơ hội, môi trường chèn ép, coi thường bà ngay từ lúc đầu chung sống với nhau. Lệ Vũ tin, nếu bà có phản ứng lên tiếng ngay từ lúc đầu chung sống với nhau, ông nhà sẽ không dám đi quá đà như hiện nay đâu. Chịu đựng, nhịn nhục là đức tính đáng quí, nhưng cần phải áp dụng đúng nơi, đúng lúc. Không ai sống gần một con chó điên hay một con mèo dại rồi để cho nó cào cấu, cắn liếm mặt mình ngày này qua ngày khác, mà mình cứ ngồi yên, tự cho đó là sự nhịn nhục đáng khen cả! Sống với một kẻ khùng điên, cao ngạo, mình cần đề cao cảnh giác. Ngược lại, mình sẽ trở thành nạn nhân, kẻ yếm thế trước sự khùng điên cao ngạo, lấn lướt của họ mà nhiều khi chính mình không biết hay lúc bết được thì quá muộn như trong trường hợp của bà.

Nhà mới, xe mới, TV mới, Tủ lạnh mới v.v. dù chọn kỹ mua về, nhiều khi còn bị lầm, trực trặc ngay từ lúc mang về, huống chi con người tránh sao khỏi chuyện này! Đồ dùng thường ngày chúng hư mình phải đem sửa mới dùng lại được. Con người cũng vậy, xấu tính xấu nết, hư hỏng cần phải có người chỉ bảo cách này hay cách khác, thay đổi mới trở nên người tốt được. Cái xe hư không chạy được, nằm trong garage thì khác gì đống sắt vụn! Làm chồng, làm cha mà không sống, giữ đúng bổn phận, trách nhiệm của mình, còn làm gương mù, gương xấu cho con, nào tốt lành gì! Chẳng thà không có thì hơn. Nếu phải đem cân, tính toán, theo Vũ, công sinh thành 1, công dưỡng dục cho con cái nên người phải được xem như 10. Nói thật lòng ra sợ người khác cho rằng hàm hồ, đòi quá! Nhưng đã nói cần phải nói cho ra hết: Đẻ con thì ai không đẻ được? Chó, gà, nó còn đẻ con được huống chi mình, con người, bà đồng ý?

Lệ Vũ khuyên bà, lúc này hơn bao giờ hết, bà cần bình tĩnh, sáng suốt để nhận định vấn đề. Không khi nào nổi nóng, lớn tiếng cãi cọ với ông ấy. Nên nhẹ nhàng, từ tốn, ôn hoà đối xử với ông ấy, nhưng không được lụy, cho phép ông ta bắt nạt, ăn hiếp mình thêm nữa. Vợ chồng, con cái trong gia đình, đừng đợi đến khi có chuyện, cãi cọ, gây gỗ mới dùng đó làm cơ hội đề tài giáo dục, chỉ bảo lẫn nhau. Kinh nghiệm cuộc đời cho thấy: thường những người ương ngạnh, ngang chướng đều là những kẻ ưa ngọt, khoái nịnh, vuốt ve. Bà thử thay đổi chiến thuật, dùng cách cư xử dịu ngọt vời ông ấy một vài lần xem sao.

Biết đâu nhờ bà ‘gãi đúng chỗ ngứa”, ông ấy trở nên “người chồng, người cha tốt” trong một sớm một chiều? Người ta mê ngọt, thích uống nước đường, bà lại cứ đem nước trà, nước đắng để vào miệng, bảo sao họ không cưỡng lại mình sao được? Thân chúc bà sớm tìm lại sự bình an trong tâm hồn cũng như trong mái ấm gia đình. Thân mến.

Lệ Vũ