Dân Chúa Âu Châu

hochzeitsringeChị Tuyết Hằng mến!

Lâu nay em muốn viết thư hỏi Chị nhưng thời gian lại quá bận rộn... Nếu mà được gặp và quen biết Chị thì thế nào em cũng phải gọi điện thoại hỏi Chị cho bằng được.
Trong luật Hội thánh khi nào vào nhà thờ làm “Đám Cưới“. Đôi Tân Hôn phải trao nhẫn cho nhau. Và sẽ nói: Anh... nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và trung thành của em. Người Nam chỉ đeo được vài tuần hay vài tháng khi đám cưới xong, sau đó chẳng con bao giờ thấy đeo nữa. Về người Nữ thì hầu như ai cũng đeo cho đến khi răng nong tóc bạc...

Có một số người nam cho rằng lý do đeo nhẫn đi làm về những nghề Mechaniker vướng tay khó chịu. Kể cả những dây chuyền đeo cổ cũng vậy nữa!! Còn một số thì lại cho là đeo không quen tay. Cho nên mỗi khi đi đến đâu cũng chẳng thấy tay người chồng đeo nhẫn gì hết. Đôi lúc có sự hiểu lầm là chắc anh chàng này chưa vợ (?) Chẳng lẽ chỉ vì tay không đeo nhẫn mà vợ chồng tranh luận nhau hoài hay sao?

Thưa chị Tuyết Hằng, những lý do đó có chính đáng cho người nam hay không? Và nếu như người nam không đeo mà vẫn một lòng chung thủy với vợ thì đã đủ làm bằng chứng tình yêu hay chưa? Vậy chiếc nhẫn cưới không đeo đó em phải xử dụng nó như thế nào mà không thấy là vô dụng. Mà lúc nào cũng được yêu quý nó mãi vì đã làm phép rồi.

Cám ơn Chị cho em một giải đáp! Cũng không quên chúc Chị luôn vui tươi, mạnh khỏe để phục vụ cho báo Dân Chúa.
Em Thảo Xanh


Trả lời: Thảo Xanh thân thương,

Những lý do mà bạn đời của em nêu ra, cũng có lý lắm chứ.
Nhưng không được chỉnh gì đâu cơ. Nhất là quý chàng hay có tật đãng trí, nhiều lúc “quên mất mình đã là ....vườn có hoa, có kiểng. Vì vậy chiếc nhẫn cưới có liền trên ngón tay là điều phải lẽ. Là dấu chỉ thiết tha của Phút Giây Đầu Tiên mới trao gửi cuộc đời của nhau. Nó luôn nhắc nhở bạn “chớ lạc mất đường về nhà mình“. Tình yêu ái mặn nồng trong tình cảm như những giọt nắng rơi rơi bên thềm nhà. Thương yêu soi rọi sáng sủa đôi tâm hồn; cho dễ thông cảm nhau hơn. Dễ dàng thứ tha nhau khi nhìn thấy dấu ái yêu một đời hôn phối thắm tươi của nhau.

Muốn giữ gìn lòng thủy chung trong việc lớn trọng đại, mà sao lại không chịu khó chìu ý bạn hiền trong việc nhỏ hở... quý ông chồng? Để một may hai rủi lỡ ... vấp ngã, mà phải....
Thuyền lạc bến cho nước sầu trăm ngả
Để cây đa buồn bã nhớ thương... thuyền!

Ước mong mấy lời đơn sơ mà nhiệt tình cầu chúc cho Thảo Xanh và bạn đời biết lắng nghe lời tình nồng nàn của nhau. Qua Lời Tình của Chúa yêu đương, cho ngày hôm qua tình yêu đã đầy, ngày hôm nay càng thêm tràn đầy. Ngày mai thêm hớn hở thắm thiết dù cho mái tóc có phôi phai, lấm tấm sương tuyết. Da nhăn, nhưng tình cảm không nheo nhó. Vẫn đậm đà em nghe anh thương yêu tình tứ nhủ thầm trong bóng ngã hoàng hôn buông rũ cuộc đời:
Ơi.... người bạn hiền nhỏ... của anh ơi....
Tình đẹp giờ đang chào đón đôi ta!
Nồng say như nhạc lòng năm ấy,
Thiết tha ngày nào nhẫn cưới trao duyên! Ư

Chịu nhé, Thảo Xanh? Mến chúc em luôn vui tươi xanh thắm như nhánh cỏ vô ưu. Thân chào!
Tuyết Hằng